24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thiên Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính sách phòng chống rửa tiền được ngân hàng đặc biệt chú trọng

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có rủi ro cao nhất về rửa tiền. Bởi lượng tiền chuyển qua hệ thống này là chính, số lượng lớn, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

“Rửa tiền không chỉ trong nước mà còn liên quan đến các đối tượng khác ở nước ngoài. Dù Việt Nam có số lượng tiền mặt lưu thông khá lớn nhưng để chuyển tiền với số lượng lớn, mang tính sinh lời cao thì phải đi qua ngân hàng”, ông Phạm Gia Bảo - Phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói.

Vì vậy, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, kế hoạch để nhận diện đối tượng, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao, kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và các nhân viên ngân hàng cũng phải nâng cao nhận thức, tăng cường nhận biết những giao dịch đáng ngờ, để phòng tránh rủi ro.

Theo ông Phạm Gia Bảo, các loại tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao là tội tham ô tài sản, tội tổ chức đánh bạc, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy…Để xử được tội liên quan đến rửa tiền, cơ quan chức năng phải xác định được tội phạm nguồn - đây là một trong những khó khăn trong việc xét xử rửa tiền tại Việt Nam. Bởi loại tội phạm này khác với các loại tội phạm khác nên phải xác định được mới có hướng điều tra, truy tố theo tội rửa tiền.

Đại diện Cục Phòng chống rửa tiền cho biết: NHNN hiện là cơ quan đầu mối về phòng chống rửa tiền (PCRT). Theo báo cáo đánh giá rủi ro PCRT từng được NHNN công bố, việc nhận hối lộ, lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... có nguy cơ rửa tiền cao. Điểm đáng chú ý nhất của báo cáo do NHNN thực hiện ghi nhận có đến 90% giao dịch đáng ngờ qua các ngân hàng do ngân hàng là nơi có các dòng tiền chuyển qua, cả đầu vào và đầu ra.

Cũng theo NHNN, dù không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình rửa tiền nhưng so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch" là cao hơn.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu về nguy cơ giao dịch đáng ngờ của Cục Phòng chống rửa tiền cho rằng: Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.

"Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp" - báo cáo của NHNN nêu rõ. Cũng theo báo cáo, trong danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền được các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam liệt kê, tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này đến nay cho thấy tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, theo NHNN, tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng là tội phạm nguồn có nguy cơ cao về rửa tiền khi số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội đánh bạc là rất lớn. "Trong các vụ án lớn về tổ chức đánh bạc, số tiền niêm phong, phong tỏa, tịch thu và thu hồi là rất lớn nên không loại trừ việc các đối tượng phạm tội có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được từ loại tội phạm này vào mục đích đầu tư, rửa tiền" - báo cáo của NHNN từng cho biết.

Theo ý kiến của một số chuyên gia ngân hàng, dù Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 có hiệu lực từ năm 2010 nhưng kết quả điều tra, truy tố, xét xử đối với tội rửa tiền còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, nguy cơ rửa tiền đối với tội tham ô là rất cao. Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được "rửa tiền".

Đơn cử, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN từng thống kê: Giai đoạn 2012 - 2017 có đến 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ, thuộc nhiều lĩnh vực như đánh bạc, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, điểm thu đổi ngoại tệ... Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ, mọi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam liên quan đến thanh toán phải được cấp phép. Khoản 4 điều 7 Luật PCRT quy định các hành vi bị cấm là "cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác".
Tuy nhiên, rất khó để có thể luận tội đây là hình thức chuyển tiền bất hợp pháp bởi người gửi và nhận hoàn toàn có thể nói nhờ thân nhân mang tiền về hộ mà không có giấy tờ nên dễ bị tội phạm rửa tiền lạm dụng.

"Báo cáo được đưa về, hệ thống xử lý sơ bộ và đưa ra được các cảnh báo những giao dịch đáng ngờ, cần phải xử lý ngay... Do đó, cơ quan PCRT của NHNN mong muốn được tăng cường năng lực về con người và công nghệ trong phòng chống rửa tiền", bà Nguyễn Thị Minh Thơ nói. Để ngăn chặn được "tiền bẩn", bà Nguyễn Thị Minh Thơ khuyến nghị các ngân hàng cần phải tăng cường rà soát các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan tội phạm nguồn và các tội phạm có nguy cơ cao rửa tiền như: Mua bán ma túy, trốn thuế, lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả