Chính sách ngành điện 2023: Những điều nổi bật
Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN 2 lần tăng giá, đề xuất thay đổi biểu giá bậc thang, giảm thời gian điều chỉnh giá… là những câu chuyện nổi bật về giá điện diễn ra trong năm 2023.
2 lần tăng giá điện
Năm 2023 EVN đã tăng giá điện bán lẻ bình quân lần đầu sau 4 năm giữ giá. Không những 1, mà là 2 lần. Lần tăng thứ nhất vào ngày 04/05, nâng giá bán lẻ điện bình quân lên 3%, cụ thể là 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Đến ngày 09/11, giá điện tăng lần 2, ở mức 4.5%. Giá bình quân tăng lên 2,006.79 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT.
Như vậy, với 2 lần tăng, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng tổng gần 8% so với năm trước.
Trên thực tế, câu chuyện tăng giá điện đã được Bộ Công Thương đề cập từ cuối tháng 03/2023. Khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã khẳng định rằng giá điện “chắc chắn điều chỉnh trong năm 2023”, trong bối cảnh dự báo giá năng lượng và các vật tư chiến lược sẽ vẫn có những biến động phức tạp, giá dầu dự báo neo cao và đặc biệt là áp lực tài chính của EVN.
Tháng 3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 của EVN là 419 ngàn tỷ đồng, năm 2022 là hơn 493 ngàn tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là gần 1,856 đồng/kWh, tăng 1.84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là hơn 2,032 đồng/kWh, tăng 9.27% so với năm 2021. Nhìn chung, là cao hơn giá bán lẻ điện bình quân, kể cả sau 2 lần tăng giá.
Năm 2022, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng), EVN lỗ hơn 22 ngàn tỷ đồng sau kiểm toán (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Đầu năm, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 với dự báo còn u ám hơn năm 2022 rất nhiều. Theo đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng gần 65 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ hơn 44 ngàn tỷ đồng và nửa sau dự kiến lỗ gần 21 ngàn tỷ đồng, trên cơ sở nếu giá bán lẻ giữ nguyên như năm 2022.
Thực tế, sau đợt tăng giá đầu tiên, EVN vẫn lỗ khủng. Theo Ủy ban Quản lý vốn, số lỗ 6 tháng đầu năm của EVN là hơn 35.4 ngàn tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng, lỗ dự kiến là hơn 28.7 ngàn tỷ đồng.
Về đợt tăng giá thứ 2, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa đủ để doanh nghiệp có lãi gộp trong 2023-2024. CTCK MBS ước tính, chi phí sản xuất điện bình quân của EVN sẽ vào khoảng 2,098 đồng/kWh cho năm nay, cao hơn 92 đồng/kWh (4.5%) so với mức giá bán lẻ hiện tại. Giả định chi phí sản xuất không đổi, vẫn sẽ cần một đợt tăng giá nữa để EVN hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn.
Dẫu vậy, việc tăng giá điện gần nhất được cho là sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26 ngàn tỷ đồng doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp trong ngành.
Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá điện về 3 tháng
Một trong những đề xuất đáng chú ý từ Bộ Công Thương về ngành điện là thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10, Bộ đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần.
Như vậy, mỗi quý sẽ có một đợt thay đổi giá nếu chi phí đầu vào của giá điện liên tục tăng và 1 năm giá sẽ được cập nhật tối đa 4 lần theo chi phí phát điện.
Theo Bộ Công Thương, việc giá điện 3 tháng điều chỉnh 1 lần sẽ giúp cập nhật đầy đủ các chi phí hơn. Cùng với đó, thực tế, điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Trước đó vài tháng, đã có đề xuất cho EVN tự điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. Cụ thể, trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng; từ 5% - dưới 10%, EVN sẽ báo cáo và chỉ tăng nếu Bộ Công Thương chấp thuận; từ trên 10% phải xin ý kiến Thủ tướng.
Đổi biểu giá điện bậc thang: 6 bậc còn 5 bậc
Trong tháng 11, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo dự kiến, biểu giá điện mới gồm 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay, với bậc thấp nhất từ 0-100 kWh, cao nhất từ 701 kWh trở lên. Trong đó, giá điện bậc 5 (cho kWh từ 701 trở lên) được đề xuất là 3,612.22 đồng/kWh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tiếp tục duy trì cơ chế giá điện bậc thang là phù hợp với xu thế chung, khi các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng.
Việc giảm về 5 bậc cũng mang đến nhiều lợi thế. Đầu tiên là đơn giản, dễ hiểu; ghép các bậc để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, nới khoảng cách của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Thứ trưởng cho rằng, với cách tính theo biểu giá mới, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ giảm được số tiền điện phải trả so với cách tính cũ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận