Chính sách ngân hàng năm 2023: Tín dụng làm trọng tâm
Tàn dư từ cuối năm 2022 kéo sang năm 2023 làm cho nền kinh tế chịu nhiều áp lực cùng lúc như thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất hạ liên tục, ngân hàng thừa tiền… Trong đó, vấn đề nổi lên và làm đau đầu nhà điều hành là làm sao để cải thiện tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
Thông tư 06 nhiều tranh luận
Ngày 28/06/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó bổ sung 4 nhu cầu vốn không được cho vay.
Đáng chú ý là nội dung ngân hàng sẽ không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ không cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN vào ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành 3/4 nhu cầu vốn không được cho vay trên; thời gian áp dụng từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Ngoài ra, Thông tư 06 cũng bổ sung khoản 5 điều 26: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Thông thường, chủ đầu tư huy động vốn thông qua hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh từ khách hàng để có thêm vốn tiếp tục thực hiện dự án. Đa số các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đều thực hiện theo cơ chế như vậy.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2023.
Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Thông tư 11/2022/TT-NHNN của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2023.
Cụ thể, Thông tư quy định, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi: Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
NHNN công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của NHNN.
Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.
Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
Thông tư 08/2023/TT-NHNN được ban hành ngày 30/06/2023 quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Thông tư nêu rõ, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế, ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/08/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận