Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất kết quả rất thấp, Chính phủ sẽ có báo cáo riêng gửi Quốc hội
Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.430 tỷ đồng, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp.
Sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến là chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76%.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp. Ảnh: QH
Năm 2023, ông Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh…
Trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng 1.109 km đường bộ cao tốc, 1 cầu dây văng khẩu độ lớn, 14 cơ sở trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng… Đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,3 triệu lượt người lao động, bằng 132% tổng số đối tượng dự kiến hỗ trợ (4 triệu người).
Về giải ngân các chính sách hỗ trợ, theo Bộ trưởng, đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.957 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.347 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 4.264,4 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện); hỗ trợ 2% lãi suất đạt 327 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 57.068 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,315 tỷ đồng; số vốn 14.151,685 tỷ đồng còn lại Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn; 782,217 tỷ đồng còn lại không được phân bổ tiếp theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15.
Có tâm lý lo ngại, sợ sai
Khó khăn, vướng mắc được Chính phủ nêu là việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.430 tỷ đồng do: Có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ lãi suất; khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, số tiền giải ngân thực tế chỉ đạt 4.264,4 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện. Việc triển khai chính sách, thẩm định hồ sơ, phê duyệt, giải ngân kinh phí cho người lao động thời gian đầu còn chậm.
“Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm”, ông Dũng nêu.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, đến ngày 31/3/2023, chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 16.957 tỷ đồng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, 4/5 chương trình của chính sách dự kiến không sử dụng hết 16.865 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình.
Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn (43.140 tỷ đồng) nhưng mới được bố trí 10.000 tỷ đồng, đã giải ngân hết trong kế hoạch năm 2022 và vẫn có nhu cầu, có khả năng thực hiện tiếp nhưng không còn nguồn.
“Chính phủ dự kiến sẽ có báo cáo riêng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV”, ông Dũng cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận