24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Các bộ, ngành cần có những chính sách tương đối cụ thể hơn nữa; trong đó, bao gồm cả chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như thị trường các nước Trung Đông-châu Phi.

Trong khuôn khổ hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước khu vực Trung Đông-châu Phi” diễn ra chiều ngày 9/9 tại Hà Nội, bên lề phiên họp “Thanh toán trong giao dịch thương mại-đầu tư: Thực trạng và Giải pháp”, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những gợi mở đối với doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác kinh doanh với những đối tác khu vực này nhằm đem lại hiệu quả tích cực hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh của các nước khu vực Trung Đông – châu Phi? Vì sao có không ít doanh nghiệp cho rằng, thị trường này không thực sự dễ tiếp cận?
Ông Hoàng Quang Phòng: Tiềm năng của thị trường Trung Đông-châu Phi là rất lớn và phù hợp, tương thích với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong khu vực này cũng là điều không thể phủ nhận.

Cứ nhìn vào thông tin về kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam với khu vực này luôn tăng trưởng đều qua hàng năm là thấy rõ minh chứng.

Tới đây, sau sự kiện này, nếu các cấp, ngành tiếp tục có thêm những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tôi tin rằng, kết quả kinh tế, thương mại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác chắc chắn sẽ còn gia tăng.

Còn về những băn khoăn từ phía các doanh nghiệp. Cơ bản cũng là do sự khác biệt về văn hóa như thói quen dùng tiền mặt; sự khác biệt về thị hiếu tiêu dùng nên các doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ càng về đối tác của mình, để đôi bên có thể cùng nhau tạo niềm tin và thống nhất trong nhiều vấn đề của mối quan hệ hợp tác kinh doanh.

Có 1 khó khăn khác rất đáng lưu tâm đó là khả năng thanh toán, điều kiện thanh toán, các thể thức thanh toán giữa các doanh nghiệp mà từ trước tới nay đôi bên vẫn đang tiến hành.

Qua phản ánh của các doanh nghiệp như Viettel, Hapro, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)… việc thanh toán giữa các đối tác Việt Nam và Trung Đông-châu Phi đang tiềm ẩn những rủi ro khiến không ít doanh nghiệp dù có nhu cầu lớn nhưng còn ngần ngại trong việc hợp tác.

Vấn đề này, theo tôi chỉ có thể được giải quyết khi các cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp và phương thức chung bằng những thỏa thuận hay quy chế phối hợp mang tính ràng buộc, hướng dẫn để hỗ trợ và củng cố niềm tin trong doanh nghiệp.

Có như vậy hoạt động đầu tư, hợp tác trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam-Trung Đông và châu Phi mới có cơ hội được thúc đẩy.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, hành động thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp, ông có bình luận gì về điều này?
Ông Hoàng Quang Phòng: Nói vậy không hoàn toàn chính xác vì thực tế, các cơ quan chức năng đã thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với hầu khắp các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi và đã từ rất lâu.

Những mối quan hệ này đều đã và đang phát triển tốt đẹp. Việt Nam cũng đã mở các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại ở nhiều nước Trung Đông-châu Phi và hoạt động tương đối hiệu quả dù nhân lực còn mỏng.

Tôi cũng từng tham gia không ít diễn đàn và hội nghị cấp cao giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi được tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với phía Việt Nam.

Như vậy để thấy rằng, những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Vấn đề cũng còn từ sự chủ động của chính doanh nghiệp.

Chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Thực tế, kết quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam-Trung Đông-châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng còn do nhiều nguyên nhân.

Mà theo tôi, một trong số đó là do không phải doanh nghiêp nào cũng đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu vốn tương đối khắt khe như sự khó khăn về đường sá xa xôi; các điều kiện vận tải trắc trở hay điều kiện thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro như tôi đã nêu.

Nhìn vào thực trạng hiện nay có thể thấy đa phần doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa, không thể tự mình bươn chải.

Chính vì lẽ đó, rất cần sự phối hợp hơn nữa và quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp; rất cần sự nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp nếu thực sự quan tâm và đủ niềm tin để khai phá thị trường các nước Trung Đông-châu Phi.

Phóng viên: Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để dễ dàng tiếp cận thị trường và để việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Trung Đông-châu Phi thu lại hiệu quả như mong đợi, thưa ông?
Ông Hoàng Quang Phòng: Tôi cho rằng, khi đã bắt tay vào việc thì không gì là không có khó khăn. Tuy nhiên, để khắc phục và giải quyết những vướng mắc phát sinh, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đề xuất và chia sẻ những vấn đề của mình với các cấp có thẩm quyền, với người đứng đầu-đại diện tiếng nói của doanh nghiệp; cùng với đó, cần nêu rõ nguyện vọng và thiện chí cùng ngồi lại với các cơ quan chức năng, để bàn, để tính và tìm ra những giải pháp khắc phục, thậm chí là đường hướng để phát triển.
Phóng viên: Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, theo ông, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện chỉ đạo này như thế nào nhằm thu hút đầu tư từ các thị trường Trung Đông-châu Phi?
Ông Hoàng Quang Phòng: Chủ trương đó là đúng đắn nhất là khi Việt Nam hướng tới thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Để làm tốt được những yêu cầu đề ra, theo tôi, các bộ, ngành cần có những chính sách tương đối cụ thể hơn nữa; trong đó, bao gồm cả chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như thị trường các nước Trung Đông-châu Phi chẳng hạn.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng những ưu đãi để phát triển những ngành, nghề mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hàng hóa, chế biến nông sản hay giáo dục, đào tạo, y tế…

Với chính sách thu hút đầu tư để phát triển trong nước theo tôi, Việt Nam không nên bỏ qua bất cứ 1 đối tượng có nhu cầu, có tiềm năng nào, bao gồm cả những doanh nghiệp tới từ Trung Đông-châu Phi.

Bởi ở đó, họ có rất nhiều cơ sở sản xuất tiên tiến, rất nhiều doanh nghiệp hiện đại có những chiến lược kinh doanh đã thành công, thành danh ở các thị trường phát triển mà Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm và chia sẻ các kết quả hợp tác kinh doanh.

Vấn đề là muốn thu hút được họ thì cũng cần những chính sách ưu đãi phù hợp, cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính hay các điều kiện kinh doanh… vốn gây nhiều “áp lực” cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, cơ bản vẫn phải là thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, có sự cân nhắc và quân bình giữa các yếu tố về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội.

Đã tới lúc, Việt Nam cần nhận thức những ưu thế và lợi thế của mình và có cách thể hiện khác hơn như đã từng trước đây.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả