24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính phủ yêu cầu triển khai những giải pháp lớn để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Chính phủ yêu cầu triển khai những giải pháp lớn để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh

Thường trực Chính phủ thống nhất đánh giá, trong những tháng đầu năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao trong tổ chức triển khai thực hiện; nhờ đó, kinh tế - xã hội nước ta đạt nhiều kết quả tích cực, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải quyết liệt, chủ động hơn nữa để có các chính sách, giải pháp điều hành nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc "làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật"; tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan; chủ động, sáng tạo để có giải pháp hiệu quả tận dụng cơ hội, thời cơ, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công quản lý.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu

Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để có giải pháp, biện pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó:

Về tiêu dùng: có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai kịp thời việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sau khi Quốc hội thông qua.

Về đầu tư: tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát huy hiệu quả 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp khả thi, hiệu quả để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, năng lượng, chuyển đổi số; tạo thuận lợi cho hợp tác công tư, đầu tư tư nhân và FDI (nhất là các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo), xử lý, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có vướng mắc về đất đai, giải phóng nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường cao tốc, một số sân bay theo hình thức hợp tác công tư (như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa …)

Về xuất khẩu: tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi…), đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục về đầu tư, xây dựng để thực hiện trên môi trường điện tử; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu, đấu giá; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, ngành, khu vực và của toàn nền kinh tế.

Tập trung xử lý các kiến nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo Lãnh đạo Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan cấp dưới, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và việc đôn đốc, kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Chủ động, tích cực làm việc với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để kịp thời báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tháo gỡ vướng mắc đối với các vấn đề Quốc hội, cử tri quan tâm và các vấn đề Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, dự báo, phân tích tình hình, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, cơ quan liên quan trong giải quyết, xử lý các công việc. Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ trực tiếp làm việc để thống nhất, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực tổ chức họp để xử lý ngay; kịp thời xử lý, khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến công việc chung.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả làm việc của các đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo nguyên tắc: các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương xử lý; các vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, cơ quan trung ương thì Bộ, cơ quan phải khẩn trương xử lý theo thẩm quyền; đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính để đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương;

Rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp, dự án FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổng hợp, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả