Chính phủ yêu cầu hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trong tháng 5/2025 để chống rửa tiền.
Tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản ảo; hoàn thành vào tháng 9.
Bộ Tài chính được giao xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.
Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Các loại tiền số như như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Trước đó, Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.
Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia. Do đó, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Một số quốc gia bắt đầu đưa ra quy định siết tiền ảo, bảo vệ người dùng trên mạng. Chẳng hạn, năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) thông qua đạo luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA) để ngăn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao, blockchain. Mỹ, Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều quy định tăng tính minh bạch, tuân thủ pháp lý trong chống rửa tiền, tài trợ khủng bố với tiền số, tài sản ảo.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải đưa ra kế hoạch cụ thể với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, như sử dụng tiền mặt, vàng trong nền kinh tế để mua bán bất động sản, tham nhũng.
Kế hoạch hành động trên được Chính phủ đưa ra nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách rà soát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước tháng 5/2025. Đây là danh sách các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận