Chỉnh kế hoạch đầu tư 19 dự án; tổ hợp phụ trợ ô tô hơn 3.400 tỷ đồng
Dưới đây là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua:
Duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng tại Vũng Áng
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định phê duyệt lập quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500 tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo Quyết định số 1805/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký, Hà Tĩnh sẽ sử dụng 159,84ha để lập đồ án quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500.
Vị trí lập quy hoạch tại khu phát triển logistics và dịch vụ hậu cảng (lô CN2A) thuộc quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Mục tiêu cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 hình thành một Trung tâm logistics phía sau cảng Sơn Dương, tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng kết nối cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng với các vùng khác.
Đây sẽ là một trung tâm logistics chính của tỉnh, đảm bảo vai trò là Trung tâm logistics phục vụ không chỉ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.
Trung tâm Logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương sẽ là cơ sở để Hà Tĩnh xác định mô hình đầu tư quản lý kinh doanh Trung tâm, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và khai thác Trung tâm logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương, thúc đẩy hoạt động của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, từ đó góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển.
Được biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, khu vực cảng biển Hà Tĩnh thuộc nhóm II, trong đó, Sơn Dương - Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm các bến chức năng. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có hệ thống cảng chuyên dùng, vệ tinh cho cảng chính như: Xuân Hải (công suất 250.000 tấn/năm, trọng tải tàu tối đa cho phép là 2.000 DWT), Cửa Sót, Cửa Hội.
Cảng Vũng Áng nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển của cả nước.
Cảng Vũng Áng hiện có 6 cầu cảng đang hoạt động, bến cầu cảng số 1 và 2 cảng Vũng Áng được xây dựng, đưa vào khai thác năm 2001 và năm 2010 với tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm, cho phép tàu có trọng tải đến 45.000 DWT hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Hà Tĩnh đã thực hiện xã hội hóa đầu tư bến số 3, 4, 5, 6 theo quy hoạch.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lập các quy hoạch tổng thể để phát triển dịch vụ logistics như đề án Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.
Hiện nay, theo quy hoạch phát triển cảng, Bộ Giao thông vận tải đã có các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương thuộc cảng biển Sơn Dương - Vũng Áng giai đoạn đến năm 2020.
Vingroup muốn đầu tư tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô hơn 3.400 tỷ đồng tại Quảng Ninh
Ngày 16/6, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho ý kế về đề xuất đầu tư của Tập đoàn Vingroup về việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô.
Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã nghe, cho ý kiến về đề xuất đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lầm (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) của Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Mục tiêu của dự án là đầu tư một tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Vinfast và các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xuất khẩu sang thị trường ASEAN, thế giới. Sản phẩm bao gồm: linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch. Công nghệ của nhà máy được chuyển giao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu với máy móc thiết bị hiện đại, hệ thống quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất, đến phân phối.
Dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ tập trung đầu tư xây dựng dây chuyền phục vụ việc sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô với công suất dự kiến 500.000 bộ/năm; giai đoạn 2 (2022-2025) mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô và nâng công suất dự kiến là 1.000.000 bộ/năm.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án gần 200 ha. Tổng vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến từ năm 2023 khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm. Tổng thuế VAT dự kiến nộp suốt vòng đời dự án gần 75.000 tỷ đồng.
Tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô được đề xuất xây dựng tại Quảng Ninh sẽ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Vinfast và các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xuất khẩu sang thị trường ASEAN, thế giới
Kết luận nội dung này, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Đây là dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Sau khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp rất lớn cho ngân sách địa phương. UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của dự án để báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đón dòng vốn dịch chuyển
Trong bối cảnh các “ông lớn” về công nghệ trên thế giới hướng đến Việt Nam, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn dịch chuyển từ nước ngoài.
Không chỉ có Apple, nhiều gã khổng lồ khác về công nghệ như Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng, coi Việt Nam là một trong những điểm đến bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Theo ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết, cơ quan này quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong, cũng như các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong các dự án tại khu vực sắp tới, gồm sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Đây là những thông tin đáng mừng, thể hiện dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, từng bước trở thành “cứ điểm sản xuất thiết bị điện tử” của nhiều thương hiệu lớn. Từ đó, cơ hội để Việt Nam đón nhận những dòng vốn lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng gần hơn.
Việc ngày càng nhiều các công ty công nghệ mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường bất động sản công nghiệp, đặc biệt là tại Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng. Đây được xem là khu vực giàu tiềm năng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Đà Nẵng có vị trí thuận lợi cả về đường hàng không, đường thủy, đường bộ và đường sắt. Hệ thống giao thông từ Khu CNC đến cảng biển, sân bay hoàn thiện giúp giảm chi phí cho nhà đầu tư. Ngoài ra do nằm trên nhiều tuyến giao thông huyết mạch, việc kết nối với các khu công nghiệp, khu đô thị lân cận và liên kết vùng cũng trở nên thuận tiện.
Khu CNC Đà Nẵng có quỹ đất lớn dành cho các dự án sản xuất cơ khí chính xác, điện – điện tử, cùng với đó là những lợi thế về chi phí cho thuê tương đối rẻ trong khu vực và nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng cũng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh cho người lao động nước ngoài…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng là địa phương luôn nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa doanh nghiệp gia nhập thị trường. Khu CNC cũng tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch phục vụ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà Khu CNC Đà Nẵng luôn sẵn sàng chào đón dòng vốn FDI đến đầu tư, sản xuất.
Tại Khu CNC Đà Nẵng hiện có nhiều dự án đã đi vào hoạt động, nhiều dự án khác đang được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, đang triển khai khu nhà xưởng cho thuê có quy mô lớn nhất dành cho các ngành sản xuất công nghệ cao, phụ trợ công nghệ cao như cơ khí chính xác, điện – điện tử, vật liệu mới…
Dự án có tổng quy mô 29,6ha, do Công ty Cổ phần Long Hậu (LHC) làm chủ đầu tư. Nhà xưởng xây sẵn có diện tích linh hoạt từ 1.500m2 gồm khu vực xưởng sản xuất rộng thoáng và văn phòng tầng 2 với thiết kế hiện đại.
Hiện giai đoạn 1 với diện tích 10.000m2 đã hoàn thành và bàn giao cho 2 nhà đầu tư Nhật Bản. Giai đoạn tiếp theo có quy mô 10.000m2 đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.
Ngoài cung ứng nhà xưởng cho thuê, LHC cũng triển khai dịch vụ khách hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, bao gồm các dịch vụ pháp lý như xin giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, tuyển dụng lao động, cải tạo và sửa chữa nhà xưởng…
Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23 km, quy mô 4 làn xe đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long sẽ được đầu tư bằng vốn đầu tư công.
Ngày 16/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 839/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km); điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.Tuyết đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường rộng17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư là 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương, trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 932 tỷ đồng, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.895,32 tỷ đồng.
Dự kiến công trình được khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, cũng như các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Dự án va cân đối, bố trí đủ vốn để triển khai đầu tư Dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Được biết, đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết trong đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đây là trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc, trong đó, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2 năm 2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Do vậy việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) năm 2017 và phê duyệt điều chỉnh tại vào tháng 10/2019.
Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 sang hình thức đầu tư công để sớm triển khai thực hiện dự án nhằm phát triển hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Cần Thơ.Việc hình thành trục cao tốc sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế -xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ được áp dụng cơ chế của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 12/11/2017 của Quốc hội về việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư dự án đầu tư công, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công, đảm bảo phù hợp với quy định tại Mục 4, Điều 7, Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và các quy định của pháp luật có liên quan.
Cụ thể, chủ đầu tư sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,...) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự kiến đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho Dự án.
Quảng Nam thúc tiến độ các dự án trọng điểm
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải sớm giải phóng 200 ha mặt bằng sạch cho dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm khác ở huyện Núi Thành.
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa công bố kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hồ Quang Bửu trong việc đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Núi Thành.
Cụ thể, Dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành) do Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) làm chủ đầu tư, theo kế hoạch tháng 6/2020 UBND huyện Núi Thành sẽ bàn giao mặt bằng sạch cả 2 giai đoạn với diện tích 451 ha, nhưng thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, buộc dự án phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư.
Ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm, phục vụ phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao của tỉnh và trước hết là cho địa bàn huyện Núi Thành. Vì vậy yêu cầu cả hệ thống chính trị của huyện Núi Thành phải vào cuộc, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông cho cán bộ và nhân dân được biết để tạo sự đồng thuận trong triển khai Dự án; phấn đấu trong năm 2020 đạt mục tiêu giải phóng mặt bằng sạch 200 ha/451 ha.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao huyện Núi Thành chỉ đạo xử lý dứt điểm 453 trường hợp xây dựng để chờ nhận tiền đền bù, xây dựng trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp trái phép; xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phải sớm hoàn thành các dự án tái định cư.
Ngoài ra, ông Hồ Quang Bửu cũng yêu cầu đẩy nhanh thực hiện Dự án Cảng cá Tam Quang. Đây là cảng cá loại 1, thu hút tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh và các tỉnh lân cận; làm đầu mối tập trung và phân phối hàng thủy sản khu vực miền Trung, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá; là động lực để phát triển ngành thủy sản và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, đây là 1 trong 14 công trình trọng điểm của tỉnh phải hoàn thành trong tháng 9/2020 chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22. Vì vậy huyện Núi Thành cần khẩn trương hoàn thành thủ tục thu hồi đất của 11 hộ nhân dân có đất bị thu hồi và thực hiện bồi thường, bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2020.
Liên quan đến Dự án Chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải, ông Hồ Quang Bửu giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 7/2020, bảo đảm khởi công trong quý IV/2020.
Đây là dự án đa mục tiêu, vừa bảo vệ an toàn chống sạt lở cho khu dân cư và đất sản xuất của 309 hộ nhân dân, vừa kết hợp phục vụ neo đậu tàu thuyền, kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh.
Chuyển Dự án đường tránh phía đông TP. Đông Hà sang hình thức đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng Dự án đường tránh phía đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc: chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án từ hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công; Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quyết định đầu tư Dự án; sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương để triển khai thực hiện Dự án.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Dự án bảo đảm hiệu quả, phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan.
Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà có chiều dài khoảng 22km với quy mô đường cấp III đồng bằng với điểm đầu kết nối với Quốc lộ 1 tại Km741+108, tuyến đi về phía Đông thị trấn Gio Linh và thành phố Đông Hà và điểm cuối nối vào Quốc lộ 1 tại Km763+600.
Tuyến đường sau khi được đầu tư xây dựng sẽ phân luồng, giảm tải giao thông trên Quốc lộ 1; hạn chế phương tiện lưu thông qua các trung tâm đô thị, tăng năng lực lưu thông, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho 19 dự án của 13 địa phương (Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh) với tổng số vốn là 180,406 tỷ đồng. Ttrong đó, 5,689 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương và 174,717 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh nội bộ giữa các dự án của từng địa phương theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan có liên quan về tính chính xác của các thông tin, số liệu, danh mục và mức vốn của từng dự án được điều chỉnh bổ sung, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm soát giải ngân các dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh căn cứ kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn được điều chỉnh thông báo cho các đơn vị danh mục của từng dự án; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giám sát thực hiện.
Đồng thời, chịu trách nhiệm bố trí vốn cho các dự án được điều chỉnh trong năm 2020 trong phạm vi kế hoạch vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019, bảo đảm phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và cam kết với nhà tài trợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận