24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chiêu trò của tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Quá liều lĩnh, kẻ lừa đảo còn giả mạo lệnh bắt của VKSND Tối cao để gửi cho nạn nhân.

Tội phạm lừa đảo xưng là cán bộ cơ quan tố tụng để đe dọa nạn nhân. Sau khi khai thác thông tin, chúng bắt nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng cho sẵn.

Nhận cuộc gọi thông báo có bưu phẩm, chị Trần Thị Phi Yến (ở quận 11, TP.HCM) chưa hết tò mò thì bị cáo buộc liên quan vụ án hình sự. Những cuộc gọi liên tục từ người xưng là cán bộ cơ quan tố tụng khiến chị Yến hoang mang.

Bị đe dọa, người phụ nữ âm thầm làm theo các yêu cầu cho đến khi nhận ra đây là nhóm lừa đảo.

Dọa nạt để lừa tiền

Người bóc gói bưu phẩm nói tòa án gửi giấy triệu tập chị Yến vì có tài khoản ngân hàng liên quan đường dây ma túy. Khi cô gái giải thích đang có sự nhầm lẫn, người gọi điện đến liền chuyển máy cho một người xưng là điều tra viên.

Chiêu trò của tội phạm lừa đảo qua điện thoại
Thông qua mạng xã hội, kẻ lừa đảo bắt nạn nhân phải chuyển tiền. Ảnh: NVCC.

“Họ nói với giọng nghiêm trọng, cấm tôi được ngắt máy, luôn phải sạc đầy pin vì cuộc gọi này được ghi âm và để củng cố làm hồ sơ điều tra. Nếu không nghe, tôi sẽ bị triệu tập ra tòa ở Hà Nội”, chị Yến kể.

Những người nói chuyện sau này tiếp tục cáo buộc tài khoản ngân hàng của Yến đang bị điều tra vì nghi liên quan đến đường dây ma túy. “Tôi bị yêu cầu kê khai toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng, các sổ tiết kiệm và những tài sản có giá trị khác”.

"Suốt quá trình nói chuyện, tôi bị kẻ lạ trấn áp tinh thần, liên tục dọa nạt, cấm nói với người khác và bắt phải làm ngay mọi yêu cầu", chị Yến kể.

Bị hăm dọa, người phụ nữ này đã chuyển toàn bộ 12 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đến tài khoản mang tên Phạm Văn Hùng.

Quá trình liên lạc, nhóm lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội có tên "Phòng Điều tra Tội phạm Hà Nội".

"Hắn gửi ảnh mặc quân phục, bảng tên, ảnh cơ quan công an đang làm việc cho tôi nhưng lại nhất quyết không cho xem mặt”, nạn nhân kể.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn gửi đường link giả mạo Công an Hà Nội cùng bức ảnh giả VKSND Tối cao để tiếp tục yêu cầu nạn nhân gửi nốt số tiền trong sổ tiết kiệm.

Nhưng khi trao đổi với nhân viên ngân hàng, chị Yên phát hiện mình bị lừa. Sau đó, tài khoản mạng xã hội và số điện thoại từng liên lạc với chị đều bị khóa.

Cùng với chiêu trò tương tự, mới đây, bà Hồng (ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nhận điện thoại từ số +882363822300. Người gọi đến tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng, nói bà Hồng liên quan đến đường dây buôn bán ma túy.

Kẻ lạ mặt yêu cầu bà Hồng chuyển ngay 940 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng nếu muốn thoát tội. Khi chuẩn bị giao dịch tại ngân hàng, nhân viên nhà băng nhận thấy sự bất thường nên đã can ngăn.

Cách nhận diện tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Từng tiếp nhận một vụ lừa đảo tương tự của khách hàng, nhân viên ngân hàng VPBank cho biết những kẻ lừa đảo qua điện thoại thường nhắm vào người cao tuổi. Chúng sử dụng cách nói chuyện khiến người nghe lo sợ, tạo áp lực bằng những vụ việc nghiêm trọng.

Theo nhân viên ngân hàng, ngày 26/8/2019, VPBank chi nhánh Thanh Hóa tiếp nhận trường hợp của một khách hàng thân thiết bị một người lạ gọi điện xưng trung tá công an.

“Người tự xưng trung tá cho biết tài khoản ngân hàng của vị khách có nguồn tiền bất thường khoảng 100 tỷ đồng đổ vào và yêu cầu chuyển cho hắn toàn bộ số tiền có trong sổ tiết kiệm ngân hàng”, nhân viên ngân hàng cho biết kẻ lừa đảo còn đọc quyết định bắt tạm giam với thông tin chính xác về chứng minh thư, ngày tháng năm sinh, quê quán của vị khách này.

Khi nghe nhóm này dọa sẽ gửi lệnh bắt tạm giam đến nhà, vị khách hàng đã trao đổi thông tin với phía ngân hàng nên không sập bẫy.

Thụ lý một số vụ án lừa đảo kiểu này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05 - Công an Hà Nội) cho biết kẻ lừa đảo thường sử dụng số điện thoại có đầu số lạ, không thuộc mã vùng Việt Nam để liên lạc. Chúng thường dùng số giả lập cuộc gọi qua VoIP để tránh bị phát hiện.

Khi gọi, những kẻ lừa đảo sẽ hỏi chi tiết, cặn kẽ nhưng thông tin cá nhân của nạn nhân bằng cách giả danh nhiều người, làm việc ở nhiều nơi trong một cuộc gọi. Sau khi nạn nhân mắc bẫy, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Đại diện PA05 Công an Hà Nội khuyến cáo người dân nếu nhận được những cuộc gọi đòi nợ hay yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng thì cần hẹn gặp trực tiếp, không làm việc qua điện thoại.

Ngoài ra, khi cảm thấy nghi ngờ hoặc nhận những cuộc gọi lạ tự xưng là công an, mọi người phải trình báo ngay cho cảnh sát khu vực và báo với ngân hàng phong tỏa tài khoản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả