Chiêu thức “xám” dụ khách online
Các cửa hàng, siêu thị ngoài đời có những thủ thuật để dụ dỗ khách bỏ tiền mua hàng vào phút chót như để các món đồ khách có thể có nhu cầu đột xuất gần quầy tính tiền. Các thủ thuật này áp dụng vào mua sắm trên mạng thì phong phú hơn nhiều và đôi lúc bước sang chỗ lừa dối khách.
Một trong những chiêu thức được dùng rộng rãi là khi khách chọn một món đồ, ngay lập tức sẽ có dòng thông tin xuất hiện: “Anh Hưng ở Gò Vấp vừa đặt mua xong”; “Vừa xử lý xong đơn hàng thứ 846”; “Đơn hàng của cô Hoa được giảm 20% vì mua món này kèm chiếc váy phủ đến gót”... Các dòng thông tin được cập nhật liên tục như thế tạo cảm giác mọi người đang ào vào mua cùng sản phẩm, khách bị cuốn theo, vội vàng bấm nút mua cho bằng người khác.
Theo tờ New York Times, nhiều trang web bán hàng ở Mỹ cũng dùng chiêu thức này nhưng những nhân vật được nêu tên vừa mua hàng hay vừa được giảm giá là không có thật. Phần mềm tự động sẽ trích từ một danh sách khách hàng ảo với các món tiền ảo để bắn thông tin lên màn hình cho khách thật đọc. Bên cạnh thủ thuật mang tính lừa dối này, nhiều trang web sử dụng các chiêu thức dù không xếp vào dạng lừa đảo cũng không phải hoàn toàn “ngây thơ”. Ví dụ, nhà thiết kế sẽ cho nút chọn mua vẽ thật lớn, màu sắc sặc sỡ còn nút từ chối nhỏ xíu, màu xám như thể chọn lựa này là không có sẵn. Các thủ thuật kiểu như “nhanh tay lên, chỉ còn 3 món trong kho” nhiều vô số kể.
Tuần trước, đại học Princeton công bố một nghiên cứu về cách các nhà bán lẻ trực tuyến dùng các chiêu thức “xám” này để tác động lên người mua hàng. Đây là lần đầu tiên có hẳn một nghiên cứu về đề tài này, trong đó các nhà nghiên cứu xây dựng một phần mềm quét tự động hơn 10.000 trang web và phát hiện có đến 1.200 trang web sử dụng các chiêu thức “xám”. Nghiên cứu này có tính thời sự vì nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng đang đề xuất các đạo luật hạn chế các trang bán hàng dùng chiêu thức “xám” bằng cách xác định đâu là thủ thuật trái phép, mang tính lừa dối. Đây là điều không hề dễ dàng vì không khéo sẽ ảnh hưởng đến loại quảng bá mang tính sáng tạo hay ngược lại, để lọt những kỹ thuật thao túng người dùng một cách tinh vi.
Chẳng hạn với trang web “ThredUp” sử dụng chiêu thức “anh Hưng”, “chị Hoa”, các nhà nghiên cứu Princeton phải chạy phần mềm để phát hiện “anh Hưng”, “chị Hoa” xuất hiện mua hàng mấy chục lần trong ngày, mua áo nhiều kích cỡ hoặc hôm nay mua xong mai mua lại cũng món hàng đó. Chỉ khi tin chắc trang web dùng thông tin “ma”, các nhà nghiên cứu mới kết luận xếp nó vào thủ thuật “xám”.
Khảo sát Princeton cho biết có chừng 30 trang web tạo điều kiện rất dễ dàng để đăng ký dịch vụ nhưng sau đó, muốn hủy dịch vụ thì thật khó khăn, thậm chí không thể hủy vì đòi phải gọi điện trực tiếp. Gọi điện tới chỉ nghe nhạc hay giọng nói thu âm sẵn bắt chờ.
Có đến 160 trang web dùng thủ thuật “xác nhận không tham gia” - tức người ta đã không muốn vẫn yêu cầu bấm nút xác nhận mới cho qua. Ví dụ khách muốn từ chối đăng ký nhận bản tin hàng khuyến mãi hay từ chối một phiếu giảm giá 10%, họ phải bấm nút “No, thanks” bằng không sẽ bị đưa vào danh sách đồng ý. Nhiều trang dùng thông điệp dễ gây hiểu nhầm để khuyến dụ khách hàng đăng ký nhận một dịch vụ nào đó; ví dụ, nửa câu đầu nói một nội dung, nửa câu sau nói nội dung khác. Trang web New Balance thiết kế cuối trang có một ô kèm theo dòng chữ: Chúng tôi muốn gửi bạn e-mail cập nhật các sản phẩm mới nhưng nếu bạn không muốn nhận thư xin bấm vào ô này. Người đọc không kỹ thấy ô “Chúng tôi muốn gửi e-mail...” sẽ bỏ qua không bấm, hóa ra như vậy là đồng ý cho họ gửi e-mail tra tấn thường xuyên. Có lẽ làm khách mua hàng trực tuyến cũng phải được huấn luyện để khỏi bị mắc bẫy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận