Chiêu thức "nuốt" 9 khu đất vàng Hà Nội của Công ty Lã Vọng
9 dự án đất vàng bị Công ty Lã Vọng “nuốt“ đều có chung một công thức: “Chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng”, qua đó doanh nghiệp dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong tổng số 9 dự án của Công ty CP thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên đầu tư tại Hà Nội đã thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, có 5 dự án do của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư, 3 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và đơn vị thành viên tham gia hợp tác và 1 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thuê mặt bằng kinh doanh là dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, đã chấm dứt việc hợp tác kinh doanh năm 2016. Doanh nghiệp này được “ưu ái” khi giao đất.
05 lô “đất vàng” Khu đô thị Đông Nam thuê giá bèo
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) là dự án từng khiến dư luận bức xúc khi phần lớn diện tích được phê duyệt xây dựng bãi đỗ xe, cây xanh trong khu đô thị đã biến thành nhà hàng của Công ty Lã Vọng.
Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ngày 8/11/2005, các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 có chức năng là bãi đỗ xe, ô đất CX2 có chức năng là cây xanh tập trung.
Công ty Lã Vọng thuê được 05 lô “đất vàng” Khu đô thị Đông Nam giá bèo làm nhà hàng.
Sau đó, theo đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết vào năm 2010, xây dựng bãi đỗ xe có mái và ngoài trời kết hợp trồng cây xanh, tầng cao công trình là 1 tầng đối với các ô đất nêu trên. Như vậy, mật độ xây dựng của các ô đất tăng lên so với quy hoạch được duyệt từ năm 2005.
Công ty Lã Vọng vi phạm xây dựng sai quy hoạch từ 1 tầng thành 2 tầng. Chưa thực hiện xây dựng xong phần công trình dự án tại ô đất DX1, DX2, CX2 để đưa vào khai thác sử dụng. Sử dụng đất trên ô đất DX3, DX4 không đúng mục đích bãi đỗ xe, cây xanh xanh mà làm nhà hàng là vi phạm quy định về luật đất đai.
UBND TP Hà Nội cũng không tính lại đơn giá thuê đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất. Ngoài ra, Sở Tài chính Hà Nội căn cứ vào kết quả kiểm toán giá trị đầu tư hạ tầng toàn bộ khu đô thị năm 2012 là 102,33 tỉ đồng để phân bổ chi phí hạ tầng cho tổng diện tích 29,73 ha các ô đất, đơn giá chi phí hạ tầng là 344.226 đồng/m2, để tính tiền suất đầu tư hạ tầng phải nộp năm 2016, là không có cơ sở.
Ghi nhận thực tế, diện tích chủ yếu trong 5 lô đất là các công trình xây dựng có chức năng kinh doanh nhà hàng. Diện tích bãi đỗ xe không nhiều và thiếu hiệu quả như mục tiêu của dự án.
Dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ không qua đấu thầu
Thông qua các công ty thành viên là Công ty Louis và Công ty Ngôi Nhà Mới, Công ty Lã Vọng cũng góp vốn cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8ha tại quận Hoàng Mai.
Khu đất dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ đang bỏ hoang.
Ba nhà đầu tư này đã góp 300 tỉ đồng thành lập ra Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để thực hiện khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Theo kết luận thanh tra, việc giao UDIC thực hiện dự án không qua đấu thầu là sai quy định pháp luật.
Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai 7,61ha để thực hiện dự án nhưng chưa thu tiền sử dụng đất. Hiện tại, theo ghi nhận của PV Dân Việt, dự án Khu đô thị Hoàng Văn Thụ này vẫn chưa được thực hiện và đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm.
Khu đô thị Quốc Oai không qua đấu thầu
Dự án khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) duyệt: Dự án này giao nhà đầu tư không thông qua đấu thầu dự án là vi phạm quy định tại Nghị định 90 năm 2006 về lựa chọn nhà đầu tư phát triển nhà ở thương mại.
UBND TP Hà Nội thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phần hạ tầng khu đất dịch vụ để trả cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp 3,1 ha chậm tiến độ, đến thời điểm thanh tra mới bàn giao đưa vào sử dụng.
Dự án Khu đô thị Quốc Oai không qua đấu thầu.
Đối với dự án khu đô thị Quốc Oai, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Hà Nội giao 27,5ha đất khu đô thị Quốc Oai cho Công ty Ngôi Nhà Mới xây dựng khu nhà ở cao cấp không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã được cho phép chuyển 2ha diện tích đất xây trường mầm non, tiểu học, trạm y tế sang xây nhà ở thấp tầng, chuyển 2,6ha đất xây dựng chung cư, văn phòng sang đất xây nhà ở thấp tầng, thương mại, dịch vụ, trường mầm non, trạm y tế, khiến diện tích đất ở tăng lên.
Hiện nay, hàng trăm căn nhà liền kề, biệt thự đã mọc trên đất dự án này.
Dự án Louis City Đại Mỗ
Đối với dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, dự án này được thực hiện theo hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư 610 tỉ đồng. Nhưng tổng vốn đầu tư được xác định chỉ khoảng 400 tỉ đồng, vì vậy Công ty Ngôi Nhà Mới phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước khoảng 125 tỷ đồng.
Để làm dự án trên, Hà Nội bố trí cho Công ty Ngôi Nhà Mới 14,5ha đất xây dựng khu đô thị mới Tây Nam đường 70 (tên gọi thương mại Dự án Louis City Đại Mỗ), quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, quỹ đất bố trí tăng gần 1ha so với diện tích đất cam kết trong hợp đồng BT.
Hà Nội giao "thêm" 1ha so với cam kết Hợp đồng BT cho Lã Vọng.
“Việc Hà Nội đã thanh toán quỹ đất cho Công ty Ngôi Nhà Mới khi chưa hoàn thành công trình BT xây dựng 1,85km cống nối 3 hồ này là chưa đủ cơ sở”, kết luận nêu rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận