"Chiêu" thâu tóm dự án tỷ đô Phú Quốc và bài toán 50.000 tỷ của ông chủ Tân Hoàng Minh
Còn 90 ngày nữa để thu xếp số tiền phải đóng là 24.500 tỷ cho thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm và khởi công xây dựng dự án có quy mô 24.000 tỷ tại Phú Quốc, số tiền Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng phải xoay xở có thể lên đến 50.000 tỷ.
Tân Hoàng Minh khởi công dự án tỷ đô tại Phú Quốc
Ngày 29/12/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tổ chức Lễ khởi công Tổ hợp quần thể du lịch Tân Hoàng Minh Phú Quốc với quy mô 34 ha với mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, nằm tại vị trí đắc địa, cách sân bay quốc tế Phú Quốc 10 km và thị trấn Dương Đông 15 km. Khu phức hợp đẳng cấp “không ngủ” theo mô hình “một điểm đến mọi nhu cầu”.
Trong vòng ba năm tới, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tham vọng xây dựng 15 tòa tháp với 7.000-8.000 căn hộ du lịch, 76 biệt thự nghỉ dưỡng và 129 nhà phố thương mại trên khu đất có diện tích 34ha phía nam Bãi Trường – bãi biển dài nhất ở phía Tây đảo Phú Quốc. Uớc tính khi đi vào vận hành, dự án sẽ phục vụ khoảng 10.000 khách lưu trú/ngày cùng hàng ngàn du khách từ các khu liền kề và người dân trong khu vực.
Phát biểu tại buổi khởi công, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng khẳng định Lễ khởi công dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước khởi đầu để tiến hành đầu tư đồng bộ cả Tổ hợp khu quần thể du lịch, giải trí của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại thành phố Phú Quốc.
Chủ tịch Đỗ Anh Dũng nói rằng, việc Tân Hoàng Minh đặt chân được đến Phú Quốc là "duyên" và nếu dịch Covid-19 không xảy ra thì ông cũng khó có được "mối duyên" này.
"Mấy năm trước, việc mua lại dự án ở Phú Quốc cũng không dễ, bởi lúc đó, du lịch bùng nổ, bất động sản nghỉ dưỡng lên cơn sốt, hầu như không có chủ đầu tư nào muốn bán, hoặc nếu có ý định bán thì cũng đòi với giá rất cao. Chính vì thế, "cửa" cho nhà đầu tư mới bước chân vào Phú Quốc gần như rất hẹp", ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, do chủ đầu tư cũ của dự án gặp khó khăn về tài chính nên họ xây dựng dở dang rồi dừng lại và buộc phải chào bán để thu hồi vốn. Ông Dũng nhận thấy khó có thể bỏ qua cơ hội này giữa lúc tập đoàn đang mở rộng đầu tư nên đã quyết định mua lại và Phú Quốc giờ đây là bàn đạp để Tân Hoàng Minh tấn công vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Dự án Phú Quốc "về tay" Tân Hoàng Minh như thế nào?
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, mắt xích giúp Tân Hoàng Minh "lấy" và khởi công thần tốc dự án tỷ đô tại Phú Quốc chính là Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc.
Hoàng Hải Phú Quốc được thành lập ngày 19/12/2011, có địa chỉ tại V07-SV1C, khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort, ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, Thành phố Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang.
Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trước tháng 7/2017, Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật của Hoàng Hải Phú Quốc là Đinh Ngọc Thanh (sinh năm 1980). Vốn điều lệ doanh nghiệp 19,6 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Thế Lam nắm giữ 1.764.000 cổ phần; Đinh Ngọc Thanh nắm giữ 180.000 cổ phần và Nguyễn Trường Giang nắm giữ 18.000 cổ phần.
Tuy nhiên, ngày 21/7/2017, hai cổ đông là Đinh Ngọc Thanh và Nguyễn Trường Giang đã chuyển nhượng hết cổ phần tại đây. Đồng thời, Đinh Ngọc Thanh cũng chuyển giao vai trò Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật lại cho bà Mạc Thị Mỹ Kim (SN 1987).
Đến tháng 4/2018, ông Nguyễn Thế Lam cũng thoái toàn bộ cổ phần tại Hoàng Hải Phú Quốc. Lúc này, cơ cấu lãnh đạo cũng có sự xáo trộn. Bà Vương Thị Quế thay bà Mạc Thị Mỹ Kim làm người đại diện pháp luật.
Ngày 16/5/2019, vốn điều lệ Hoàng Hải Phú Quốc tăng từ 32 tỷ lên 92 tỷ đồng.
Ngày 7/6/2021, ông Đỗ Hoàng Việt (SN 1994), Phó Tổng giám đốc phụ trách Trung tâm đấu thầu; Trung tâm tài chính kế toán Tập đoàn Tân Hoàng Minh, xuất hiện tại Hoàng Hải Phú Quốc với vai trò Chủ tịch HĐQT/người đại diện pháp luật. 3 tháng sau đó (ngày 10/9) vốn điều lệ doanh nghiệp được tăng từ 92 tỷ đồng lên 881,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trung tuần từ tháng 11/2021, CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil và CTCP Cung Điện Mùa Đông, thành viên Tân Hoàng Minh, đã huy động hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho một dự án có tên là Khu du lịch Phức hợp Hoàng Hải cũng tại Phú Quốc.
Các lô trái phiếu này được đảm bảo bằng chính quyền sở hữu đất của Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc tại ấp Đường Bảo, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc và quyền tài sản phát sinh từ phần xây dựng hình thành trong tương lai.
Trước khi về tay Tân Hoàng Minh, Hoàng Hải Phú Quốc không ghi nhận doanh thu trong giai đoạn 2016 - 2020 và lỗ lũy kế gần 1,9 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Hoảng Hải Phú Quốc có 794,3 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 212,3 tỷ đồng và còn 582 tỷ đồng.
Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng "xoay xở" hơn 50.000 tỷ đồng bằng cách nào?
Trong một diễn biến có liên quan đến Tân Hoàng Minh, mới đây Cục thuế TP.HCM đã gửi một số thông báo về việc nộp tiền sử dụng đất đối với 4 doanh nghiệp vừa trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với tổng số tiền sử dụng đất là 37.364 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo trên, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất. Chậm nhất trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.
Như vậy, Tân Hoàng Minh sẽ còn 90 ngày nữa để thu xếp số tiền phải đóng là 24.500 tỷ đồng. Cộng với việc mới khởi công xây dựng dự án có quy mô 24.000 tỷ đồng tại Phú Quốc (như đã đề cập phía trên, thời gian chuẩn bị 6 tháng, dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm), số tiền Tân Hoàng Minh cần chuẩn bị thực tế có thể sẽ lên đến 50.000 tỷ đồng, tương ứng 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng báo cáo thực trạng tình hình cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với các doanh nghiệp (DN) và cá nhân tham gia đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM.
Do đó, có thể nói, hiện giờ dư luận đang chờ xem, Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng sẽ hoàn thành nghĩa vụ tại cuộc đấu giá Thủ Thiêm như thế nào?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận