Chiêu lừa tiền mua vé máy bay qua Facebook
Đặt mua vé máy bay qua một fanpage trên Facebook, Kim Tuyến (TP HCM) bị chặn liên hệ ngay sau khi chuyển tiền.
Kim Tuyến, nhân viên văn phòng 29 tuổi, dự định về quê bằng chuyến bay Tân Sơn Nhất - Chu Lai dịp Tết. Hôm 4/1, cô bắt gặp một quảng cáo bán vé máy bay từ một fanpage Facebook tự nhận là đại lý.
"Công việc cuối năm bận rộn, không có nhiều thời gian tìm hiểu, nên thấy có chỗ bán là tôi liên hệ luôn", Tuyến kể. Fanpage của đại lý trên có hơn 10.000 người theo dõi, có đăng hình ảnh nơi làm việc cũng khiến cô tin tưởng.
Theo nạn nhân này, ban đầu trang cũng làm việc đúng như một phòng vé thực thụ, tư vấn đầy đủ về chuyến bay và thủ tục, thậm chí gửi lại thông tin xác nhận trước khi thanh toán. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển 1,9 triệu đồng, cô bị chặn liên hệ. Ít ngày sau, tài khoản đó cũng biến mất trên Facebook.
Khi đăng cảnh báo lên một nhóm chuyên sang nhượng vé máy bay, Tuyến mới biết nhiều người khác cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, số tiền từ vài triệu đến cả chục triệu đồng từ fanpage này. Có nạn nhân tìm đến địa chỉ được đề cập trên trang và phát hiện đây là địa chỉ giả. Lê Huyền, một nạn nhân khác của chiêu lừa trên, cho biết cô thậm chí đã nhận được vé, nhưng ra đến sân bay mới phát hiện là vé giả.
Vĩnh Tân, một du học sinh tại Canada, nói anh có nguy cơ mất hàng chục triệu đồng vì chiêu lừa tương tự. Một tài khoản Facebook tự nhận là chủ một đại lý vé máy bay, đăng bài giới thiệu trong nhóm du học sinh. Thấy đúng nhu cầu, Tân liên hệ đặt mua sớm hai vé, với tổng số tiền 58 triệu đồng. Sau khi gửi thông tin đặt vé và chuyển đủ số tiền, anh cũng bị tài khoản này chặn liên hệ.
Ông Ngô Minh Hiếu, sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết việc lừa đảo mua vé máy bay vẫn tồn tại trong thời gian dài, nhưng có xu hướng rộ lên hai tháng trở lại đây, khi nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao.
Trước đây, các nhóm lừa đảo từng sử dụng chiêu lập các website mạo danh hãng hàng không lớn, dụ người dùng điền thông tin và chuyển tiền. Sau khi tình trạng này bị dẹp, chiêu lừa thường được thực hiện bởi các cá nhân, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo.
"Những nhóm này thường đăng bài trong hội nhóm, chạy quảng cáo Facebook để dụ người dùng. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ xuất vé giả, hoặc chặn liên hệ. Có trường hợp ra đến sân bay mới phát hiện vé giả, phải mua vé trực tiếp với số tiền rất lớn", ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, giải pháp tốt nhất là người dùng chỉ mua qua những nơi tin tưởng từ trước, hoặc mua trên website của hãng, các đại lý được ủy quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận