Chiêu "hô biến" đất nhà nước tại Tổng công ty 3-2
Hàng trăm héc-ta đất do doanh nghiệp này quản lý được chuyển từ “tài sản đang dùng” sang “tài sản chờ thanh lý” tại thời điểm cổ phần hóa được đem đi góp vốn hoặc bán với giá rẻ mạt.
Đây là chiêu thức điển hình trong vụ thất thoát “đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (tên cũ là Tổng công ty 3-2, mã chứng khoán PRT) mà cơ quan điều tra Bộ Công an vừa làm rõ.
Trong vụ án này, cơ quan Công an đã đề nghị truy tố 28 bị can, gồm ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty; ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và nhóm bị can thuộc Công ty cổ phần Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam…
Tổng công ty 3-2 được thành lập năm 1982, tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, từng được xem là 1 trong 3 trụ cột của thành phần kinh tế Nhà nước tại tỉnh Bình Dương. Năm 2015, Tổng công ty tiến hành cổ phần hóa. Thời điểm này, doanh nghiệp đang quản lý 72 khu đất, trong đó có vị trí rất đắc địa như khu đất 145 ha ở TP. Thủ Dầu Một và 43 ha nằm liền kề Trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương.
Pháp luật quy định, khi tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp phải lập phương án sử dụng đất để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp. Ngày 15/3/2016, Tổng công ty 3/2 đã ký hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp với Công ty Đông Nam.
Theo phương án sử dụng đất được phê duyệt, khu đất 145 ha ở TP. Thủ Dầu Một được chuyển giao cho Tổng công ty 3/2. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Tổ Thẩm định giá Công ty Đông Nam để chuyển khu đất này từ mục A - “Tài sản đang dùng” (tức là nằm trong danh mục tài sản sẽ xác định giá trị để cổ phần hóa) sang mục C - “Tài sản chờ thanh lý” (không nằm trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa) với lý do khu đất này sẽ được góp vốn vào Công ty Tân Thành để thực hiện dự án sân golf.
Thống nhất với yêu cầu này, Công ty Đông Nam và Tổng công ty 3/2 ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp ngày 11/4/2017 với kết quả, đưa khu đất 145 ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý” với nguyên giá là 152 tỷ đồng.
Ngay sau đó, vào ngày 12/4/2017, Hội đồng quản trị Công ty ban hành Nghị quyết đưa khu đất 145 ha góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá trị vốn góp tương đương 139 tỷ đồng. Hai tháng sau, Công ty ký hợp đồng góp vốn và ngày 9/6/2017 chuyển quyền sử dụng khu đất cho Công ty Tân Thành để hoàn tất thủ tục góp vốn. Ngày 25/8/2017, Công ty Tân Thành chính thức đứng tên khu đất trên.
Giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của Công ty 3/2 được xác định là 4.346 tỷ đồng, không có giá trị khu đất 145 ha. Năm 2018, Tổng công ty 3/2 bán đấu giá 29% cổ phần, thu về số tiền 1.968 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, cơ cấu vốn tại Tổng công ty 3/2 gồm: Nhà nước nắm giữ gần 182,93 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ gần 61%); cổ đông chiến lược nắm giữ 87 triệu cổ phần (chiếm 29%); cổ đông khác nắm giữ gần 10% còn lại.
Theo cơ quan điều tra, giá trị khu đất 145 ha sau khi giám định lại là 4.472 tỷ đồng. So với giá trị Công ty tự định giá và kê khai để đưa vào cổ phần hóa thì Nhà nước và xét trên tỷ lệ sở hữu của nhà nước còn lại... bị thiệt hại hơn 1.648 tỷ đồng.
Bị can Hồ Hoàng Nam, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Nam thừa nhận, việc phân loại khu đất trên vào mục “Chờ thanh lý” là vi phạm quy định tại Nghị định 59/NĐ-CP; Thông tư 202/2011/TT-BTC: Luật Đất đai 2013 và văn bản pháp luật có liên quan.
Tương tự, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo không đưa khu đất 43 ha vào xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Các bị can tiến hành thương vụ “bán rẻ” khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú khiến Nhà nước thất thoát hơn 201 tỷ đồng.
Trong vụ việc này, để che giấu sai phạm của Tổng công ty 3/2 trong quá trình cổ phần hóa, Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền ban hành một số văn bản mới và chỉnh sửa một số văn bản cũ nhằm hợp thức chủ trương chấp thuận cho Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha.
Sau các sai phạm trên, cho đến nay, Tổng công ty 3/2 đã nộp 251 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận