Chiết khấu xăng dầu "rơi tự do", lo đứt gãy nguồn cung
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu đứng ngồi không yên trước nguy cơ thua lỗ trở lại do bị doanh nghiệp đầu mối "bóp" chiết khấu xăng dầu.
Chiết khấu xăng dầu xuống thấp
Chủ doanh nghiệp bán lẻ sở hữu 3 cây xăng tại TPHCM cho biết, trưa 9.10, tại kho Nhà Bè, nhà cung cấp báo chiết khấu xăng 300 đồng/lít, dầu 150 đồng/lít. So với cuối tuần trước, mức này đã hạ sâu. Chiết khấu tại kho xuống thấp, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển về 150-170 đồng/lít trên 100km, dẫn tới doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
"Chiết khấu duy trì được mức trên 1.000 đồng một lít được khoảng nửa tháng sau thời gian dài trồi sụt, giờ lại lao dốc, điệp khúc này chắc phá sản mất. Điều lo ngại là chiết khấu thấp nhưng khó đặt hàng. Nếu tình trạng không có hàng kéo dài, sau vài ngày hết lượng tồn trữ lưu thông, các cây xăng buộc phải đóng cửa", chủ doanh nghiệp này lo lắng.
Tại kho Chu Lai (Quảng Nam), mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu áp dụng từ ngày 8.10 xuống mức rất thấp, trong đó, xăng RON 95 là 50 đồng/lít; dầu DO 0.005 ở mức 50 đồng/lít, đáng chú ý, xăng E5 RON 92 mức chiết khấu về 0 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu năm 2022 “nóng” bởi nhiều cây xăng hạn chế bán hàng do lỗ nặng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng) - cho biết, đến giờ, các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp này tạm đủ nguồn cung nhưng nếu cấp hàng nhỏ giọt như hiện nay sẽ không đủ sau 3-4 ngày tới. Nguyên nhân xăng dầu cấp nhỏ giọt theo ông là do đầu mối găm hàng chờ điều chỉnh giá.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho biết, chiết khấu là nguồn sống duy nhất của các doanh nghiệp bán lẻ. Khi tiếp tục bị cắt mỏng, mọi khó khăn sẽ bị đẩy xuống cho doanh nghiệp bán lẻ gánh chịu.
Trong khi, dự thảo nghị định xăng dầu còn nhiều tranh cãi, chưa thể xác định được thời gian để đưa vào thực tiễn, ông Tây cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu đang trong tình trạng chứa đựng nhiều khó khăn, bất cập.
Nhớ lại hình ảnh hàng dài người xếp hàng cả trưa nắng, hay tối khuya, vị này lo ngại, các doanh nghiệp đầu mối đang xin giảm sản lượng nhập khẩu. Với tình hình nguồn cung giảm, giá thế giới tăng cao, thị trường xăng dầu có nguy cơ tái diễn hiện tượng đứt gãy như năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua.
Cần sắp xếp lại thị trường xăng dầu
Nguyên nhân sâu xa của bất ổn là nguồn hàng và việc "bóp" chiết khấu, theo các doanh nghiệp, hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong nghị định xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến.
Ông Giang Chấn Tây góp ý, vấn đề cần giải quyết là làm sao tách các doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối) ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ để các cửa hàng bán lẻ hạch toán độc lập. Giải quyết vấn đề như thế thì toàn bộ doanh nghiệp bán lẻ trên toàn lãnh thổ Việt Nam mới hoạt động bình đẳng.
Sở dĩ cần làm điều này, theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công Thương hiện thiết kế cho doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền.
"Doanh nghiệp đầu mối là đơn vị duy nhất được tạo nguồn hàng từ nhập khẩu và mua hàng từ 2 lọc hóa dầu trong nước, rồi làm cả bán lẻ, rồi lại được giao quyền định đoạt giá bán lẻ… chẳng khác nào Bộ Công Thương vừa giao quyền sinh, quyền sát vào tay họ", ông Giang Chấn Tây nói.
Theo ông, độc quyền sẽ khiến giá cả tăng cao làm thiệt hại cho cả nền kinh tế. Do đó, việc Bộ Công Thương cần làm ngay và đưa vào nghị định là không cho phép thương nhân đầu mối được bán lẻ.
"Hệ thống bán lẻ thuộc thương nhân đầu mối phải tách thành các công ty độc lập về tài chính để đảm bảo minh bạch, Nhà nước không thất thoát thuế và lợi nhuận không bị chuyển tới chuyển lui lòng vòng khó kiểm soát. Thị trường sẽ cạnh tranh để phát triển tốt hơn", ông Giang Chấn Tây nhận định.
Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai - cho hay, dự thảo cần quy định các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu và đầu mối nhập khẩu chỉ được bán cho các đơn vị thuộc sở hữu.
Theo ông Phụng, việc Bộ Công Thương cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc ổn định nguồn cung xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận