Chiến tranh thương mại Kỳ I: Mỹ “gây chiến” với Nhật Bản
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang định hình lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Không chỉ Trung Quốc, EU..., mà Nhật Bản cũng đang rơi vào tình trạng xung đột thương mại với Mỹ.
Việc Trump gây xung đột thương mại với Nhật khiến nhiều người lo ngại tăng trưởng kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực tương tự như cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xung đột lĩnh vực ô tô và nông sản
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản nằm chủ yếu ở hai lĩnh vực ô tô và hàng nông sản. Trump cho rằng Nhật đánh thuế quá cao vào hàng nông sản Mỹ, trong khi Thủ tướng Nhật Abe cho rằng Nhật đánh thuế bằng 0 vào ô tô Mỹ nhập khẩu, nhưng Mỹ lại đánh thuế 2,5% vào ô tô Nhật nhập khẩu vào Mỹ. Mặt khác, Nhật Bản có thặng dư thương mại với Mỹ trong nhiều thập kỷ lên tới gần 70 tỷ USD/năm trong tổng thương mại hai chiều vào khoảng hơn 200 tỷ USD/năm.
Đối với lĩnh vực ô tô, các nhà sản xuất Mỹ cho rằng họ bị chặn vào thị trường Nhật vì các rào cản môi trường và nhiều chính sách phiền nhiễu của chính phủ Nhật. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vấn đề là sự cạnh tranh từ phía các nhà sản xuất ô tô Nhật là rất lớn, và nhu cầu người dùng Nhật đối với ô tô từ các nước khác, kể cả Mỹ là không cao.
Tổng số ô tô Mỹ xuất khẩu sang Nhật chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu của Mỹ sang Nhật trong năm 2018.
Đối với hàng nông sản, Nhật được cho là có hàng rào bảo vệ hàng nông sản nội địa khá cao. Phía Mỹ cho rằng, khi CPTPP có hiệu lực, thì xuất khẩu nông sản của Mỹ càng gặp khó khăn hơn. Chẳng hạn, hiện thuế đánh vào thịt bò đông lạnh của Mỹ nhập khẩu vào Nhật tăng tới mức 50% (từ mức 38,5%) nếu kim ngạch vượt quá mức quy định tại Luật bảo vệ hiện hành của Nhật Bản. Trong khi thuế này đánh vào các đối tác CPTPP lại giảm từ 38,5% xuống còn 26,7%. Nghĩa là thuế đánh vào thịt bò Mỹ có thể cao gần gấp đôi so với đối thủ khác trong khối CPTPP.
Nhật Bản sẽ nhượng bộ?
Trump hứa sẽ quyết tâm giải quyết vấn đề thương mại ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật vì đây là một bộ phận thương mại lớn nhất giữa hai nước và liên quan đến lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Mỹ là ngành ô tô. Buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2017 là 204,2 tỷ USD, trong đó riêng ô tô Nhật xuất sang Mỹ đã đạt 50 tỷ USD, tương đương với 75% thâm hụt của Mỹ với Nhật. Nói cách khác, khi giải quyết được thâm hụt thương mại trong lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô với Nhật, Trump sẽ đạt được hai mục tiêu quan trọng là giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giúp tăng trưởng ngành sản xuất ô tô và phụ tùng.
Trên thực tế, Nhật Bản rất lo ngại xảy ra xung đột thương mại với Mỹ vì nền kinh tế Nhật với dân số già đi nhanh chóng, thị trường nội địa ngày càng thu hẹp nên ngày càng phải dựa vào thị trường bên ngoài để tồn tại. Năm 2018, xuất khẩu thuần chiếm tới 1/3 GDP của nước này.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có truyền thống dựa vào sự ủng hộ từ các cử tri, nông nghiệp sẽ phải chịu áp lực chính trị, nếu Nhật nhượng bộ với hàng nông sản Mỹ.
Trong xuất khẩu của Nhật, thì ô tô và phụ tùng ô tô là rất quan trọng, thị trường Mỹ là thị trường “không bao giờ được để mất”. Do đó, Nhật không thể chuyển hướng thị trường 50 tỷ USD ô tô và phụ tùng sang thị trường Trung Quốc hay EU.
Mặt khác, Mỹ dường như đang yêu cầu Nhật phải loại bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng chế tạo và nông sản của Mỹ nhập khẩu vào Nhật. Nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật có thể nhượng bộ lớn cho hàng nông sản của Mỹ để đổi lại sự nhượng bộ của Mỹ trong lĩnh vực ô tô nhằm tránh xung đột thương mại, đồng thời đạt được thỏa thuận FTA giữa hai nước, nhằm đảm bảo vị thế của mình ở thị trường Mỹ một cách chắc chắn, vì thị trường này là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Nhật.
Kỳ II: EU không nằm ngoài xung đột với Mỹ
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận