“Chiến tranh lạnh mới” Mỹ - Trung đang tăng nhiệt như thế nào?
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc đang liên tục xấu đi thời gian qua, cả về quốc phòng, thương mại hay công nghệ... Những vấn đề nào đang là điểm nóng giữa hai nước?
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang lên đến đỉnh điểm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây hơn hơn bốn thập kỷ, sau diễn biến mới nhất là vụ việc chính phủ Mỹ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Từ thương mại, quốc phòng, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, các động thái leo thang căng thẳng hay trả đũa của mỗi bên đều đang liên tục gia tăng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, bất chấp việc ông khẳng định mình có quan hệ cá nhân "rất tốt" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính quyền Mỹ thậm chí đang cân nhắc một lệnh cấm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, cũng như trục xuất bất kỳ đảng viên nào đang ở Mỹ, một hành động nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự trả đũa mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của tổ chức phi lợi nhuận Asia Society nhận định: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong một vòng xoáy đi xuống chóng mặt và nguy hiểm trong quan hệ song phương. Mức độ nghiêm trọng của cuộc đối đầu này đã tăng vọt, từ một số thách thức cụ thể và có thể giải quyết, leo thang thành một cuộc xung đột về mặt hệ thống và các giá trị của mỗi bên".
Còn Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc, cũng ngày càng cảm thấy lo ngại về những chỉ trích lẫn nhau từ lãnh đạo hai nền kinh tế chiếm tổng cộng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng: "Nếu chúng ta chỉ biết la hét và đóng sập cửa với nhau, thì thế giới sẽ trở nên cực kỳ bất ổn, và khó hoạch định cho các doanh nghiệp".
Sau đây sẽ là một số vấn đề đang làm nóng những căng thẳng giữa hai nước trong vài năm qua:
Đại dịch COVID-19
Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ đang liên tục cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc phát tán dịch COVID-19, vốn bùng phát từ thành phố Vũ Hán. Phía Mỹ cũng nhiều lần dùng những cụm từ mang tính kỳ thị với dịch bệnh này như "virus Vũ Hán", hay "virus Trung Quốc"…
Hôm 4/7, ông Trump tuyên bố Trung Quốc "cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn". Chính quyền Mỹ đã ngừng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc họ đã buông lỏng cho những thiếu sót của Trung Quốc trong quá trình phản ứng với dịch bệnh. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin về nghiên cứu vaccine COVID-19.
Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên, và chỉ trích ngược lại những phản ứng "nghèo nàn" của Chính phủ Mỹ đối với dịch bệnh. Trung Quốc cũng được cho là đang lan truyền các giả thuyết không bằng chứng rằng binh sĩ Mỹ có thể là nguồn gốc dịch bệnh trong chuyến thăm của họ tới Vũ Hán cuối năm ngoái.
Chiến tranh thương mại
Một trong những quan điểm góp phần đưa ông Trump đến chiến thắng hồi năm 2016, đó là lời chỉ trích cho rằng, Trung Quốc đang "lạm dụng" quan hệ thương mại với Mỹ, bán đi lượng hàng hóa chênh lệch quá lớn so với con số mua vào từ Mỹ.
Từ khi vào Nhà Trắng, ông đã áp đặt một loạt sắc thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, kéo theo sự trả đũa từ Bắc Kinh trong một cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn hai năm. Một "thỏa thuận ngừng bắn" đã có hiệu lực hồi tháng 1 với việc hai nước ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1", nhưng hầu hết các mức thuế quan mới vẫn không được miễn giảm.
Vấn đề Biển Đông
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang ngày càng có thái độ cứng rắn với các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm cả các tuyến hàng hải quan trọng.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từng coi Trung Quốc là "một mối đe dọa an ninh hàng đầu", ra tuyên bố khẳng định hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật". Động thái này có thể khơi mào cho những biện pháp mạnh tay hơn của Mỹ với Trung Quốc.
Đối đầu về công nghệ
Trung Quốc từ lâu đã bị các đời chính quyền Mỹ cáo buộc đánh cắp các bí mật công nghệ của nước này. Dưới thời ông Trump, các cáo buộc còn leo thang hơn nữa, bằng cách đưa ra một "lệnh cấm vận quốc tế" với Huawei, hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Mỹ cáo buộc rằng công ty này là nỗ lực của Trung Quốc xâm nhập vào cơ sở hạ tầng viễn thông của các quốc gia khác để giành lợi thế chiến lược.
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei đã bị quản thúc tại Canada kể từ tháng 12/2018, chờ xét xử yêu cầu dẫn độ sang Mỹ về cáo buộc gian lận. Tuần trước, Vương quốc Anh cũng quyết định đứng về phía Mỹ, cấm các sản phẩm của Huawei khỏi kế hoạch xây dựng và phát triển mạng không dây tốc độ cao 5G của nước này.
Vấn đề trục xuất các phóng viên và sinh viên
Chính quyền Tổng thống Trump đang liên tục hạn chế số lượng công dân Trung Quốc có thể làm việc cho các hãng truyền thông Trung Quốc tại Mỹ. Để trả đũa, Trung Quốc đã ra lệnh trục xuất nhiều phóng viên các tờ New York Times, Washington Post hay Wall Street Journal, và các bước đi khác nhằm hạn chế quyền tiếp cận của báo chí Mỹ tại Trung Quốc. Do những lo ngại này, mới đây tờ New York Times đã tuyên bố sẽ chuyển phần lớn trung tâm tin tức chính của mình từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Seoul (Hàn Quốc).
Chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang lên kế hoạch tước thị thực của hàng ngàn cử nhân và nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Mỹ, những người có quan hệ trực tiếp với các trường liên quan với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Điều này báo hiệu khả năng gia tăng "cấm vận giáo dục", và nguy cơ Trung Quốc trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm tương tự với người Mỹ.
Các điểm nóng khác
Không chỉ những vấn đề trên, quan hệ Mỹ-Trung cũng được cho là đang nóng lên ở nhiều vấn đề khác. Hồi tháng 5, Mỹ bắt đầu các bước đi nhằm chấm dứt ưu đãi thương mại với Hong Kong (Trung Quốc), đặc biệt là sau việc chính quyền Trung Quốc thông qua và ban hành Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong. Phía Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ và tuyên bố sẽ sớm trả đũa động thái này.
Tranh cãi cũng dấy lên sau quyết định của chính quyền Tổng thống Trump thông qua thương vụ bán vũ khí trị giá 180 triệu USD cho vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Nhiều chuyên gia tin rằng, những điểm nóng kể trên, nhiều khả năng khiến mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục trong trạng thái đối đầu trong thời gian tới, bất kể cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 diễn biến như thế nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận