Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung đã bị kích hoạt
Cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa Trung Quốc và các nước Phương Tây đang ngày càng nóng lên.
CĂNG THẲNG GIA TĂNG TỪNG NGÀY
Trong vài năm qua, vô số dự đoán đã được đưa ra, cho rằng ngành công nghệ toàn cầu sẽ vỡ vụn vì những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Thiệt hại thực tế cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Bởi lẽ, năm ngoái Apple (Mỹ) vẫn còn thu về hơn 100 triệu USD doanh số bán mỗi ngày tại Trung Quốc trong khi Huawei (Trung Quốc) đã báo cáo mức doanh thu kỷ lục dù chiến dịch của Mỹ nhằm làm què quặt công ty này.
Giới đầu tư đã đổ xô mua vào cổ phiếu của các công ty công nghệ trước triển vọng lạc quan của những công nghệ mới như 5G và dịch bệnh COVID-19 đang buộc hàng tỉ khách hàng dành thời gian trên mạng nhiều hơn, cũng như chi tiêu trực tuyến hào phóng hơn.
Nếu xét ở doanh số bán, lợi nhuận và hiệu suất sinh lời cổ phiếu, giai đoạn này là thời kỳ vàng son cho ngành công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các sự kiện diễn ra trong hơn nửa tháng qua, sẽ thấy sự chia rẽ chưa bao giờ mạnh mẽ như thế. Chẳng hạn, ngày 6.7.2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét cấm TikTok, một ứng dụng Trung Quốc đang trở nên cực kỳ phổ biến ở phương Tây. Trước đó 1 tuần, Ấn Độ cũng đã ban bố lệnh cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc sau các trận đụng độ quyết liệt giữa binh lính hai bên ở dãy Himalaya.
Trong ngày 6-7.7.2020 Facebook, Google, Microsoft và Twitter đều tuyên bố tạm ngừng hợp tác với chính quyền Hồng Kông do luật an ninh mới của Trung Quốc tại xứ Hương Cảng. Không chỉ vậy, SMIC, một công ty chất bán dẫn Trung Quốc, cũng vừa cho biết sẽ huy động 7 tỉ USD trong đợt niêm yết trên sàn Thượng Hải được chính phủ nước này hậu thuẫn (SMIC đã hủy niêm yết trên sàn New York vào năm ngoái). Số tiền thu được sẽ dùng để tăng mạnh quy mô sản xuất chip trong nước.
Mới đây nhất là ngày 14.7, Anh đã ra quyết định loại bỏ Huawei ra khỏi mạng 5G vào đầu năm sau và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2027, báo hiệu rằng nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc không còn được chào đón ở phương Tây. Trước đó hơn 1 tuần, Pháp tuyên bố sẽ không cấm hoàn toàn Huawei tham gia thị trường mạng 5G nhưng lại không khuyến khích các đơn vị trong nước sử dụng thiết bị của công ty này.
Sự chia rẽ Mỹ - Trung đang diễn ra ở cả lĩnh vực phần mềm lẫn phần cứng nhưng với tốc độ khác nhau. Hệ sinh thái phần mềm và internet của Trung Quốc và Mỹ đang hướng tới sự phân ly hoàn toàn với tốc độ rất nhanh. Thực ra ở khía cạnh phần mềm cả hai bên chưa bao giờ kết nối thực sự. Bằng chứng là các công ty phần mềm Mỹ chỉ tạo ra 3% trong tổng doanh số tại thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, trong khi Trung Quốc từ lâu đã “cách ly” người sử dụng internet nước họ với thế giới bên ngoài. TikTok thì hầu như không tạo ra việc làm hay trả thuế ở Mỹ hay Ấn Độ…
Có 2 ngoại lệ lớn là phần mềm văn phòng của Microsoft và các ứng dụng của Google như Gmail và Maps được tìm thấy trên các điện thoại thông minh “made in China” được bán ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đang tăng tốc phát triển phần mềm thay thế.
Phần cứng thì đang có tốc độ phân ly chậm hơn rất nhiều, do tính chất hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn cũng như liên quan đến 1.000 tỉ USD giá trị tài sản các nhà máy, cơ sở sản xuất và 400 tỉ USD hàng tồn kho. Cuối năm nay Apple sẽ tung ra một thiết bị 5G mới mà vẫn dựa vào mạng lưới nhà cung ứng của hãng này ở Trung Quốc. Dù vậy, bánh xe phân ly vẫn đang quay rất nhanh.
Năm ngoái, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen, cấm tiếp cận công nghệ của nước này. Tháng 5 vừa qua, Mỹ lại tiếp tục công bố lệnh mới, yêu cầu các nhà sản xuất chip sử dụng thiết bị xuất xứ Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán cho Huawei. Với lệnh này, Huawei có thể hết hàng dự trữ các con chip đặc biệt vào đầu năm 2021 và sẽ phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế.
Điều này sẽ rất đắt đỏ và phiền phức đối với Huawei. Đợt huy động 7 tỉ USD của SMIC cho thấy Trung Quốc đang ráo riết tạo ra một gã khổng lồ trong ngành chip ngang tầm với Intel của Mỹ, TSMC của Đài Loan. Việc Anh “cạch mặt” Huawei giữa tháng 7 vừa qua sẽ càng buộc Trung Quốc phải thúc đẩy nhanh quá trình này.
CHƠI THEO LUẬT NÀO?
Một điều chắc chắn rằng quá trình phân ly sẽ cực kỳ tốn kém và mất rất nhiều năm. Có thể thấy Trung Quốc đã hội nhập quá sâu vào các chuỗi giá trị công nghệ khi chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu và nhập khẩu toàn cầu. Lấy ví dụ về mạch tích hợp và các dụng cụ quang học, nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc vượt cả sản lượng sản xuất nội địa của nước này tới gấp 5 lần, theo một báo cáo của McKinsey.
Giới phân tích cũng đề cập đến tính chất phức tạp của việc xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia khi đặt câu hỏi “liệu một máy in của công ty Mỹ HP trong một văn phòng chính phủ có được xem là mối đe dọa an ninh quốc tế?”. Họ tính toán có tới 20 triệu thiết bị phần cứng sẽ cần phải thay thế, nếu câu trả lời là có.
Các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc sẽ rất khó thay thế phần mềm nước ngoài bằng các sản phẩm trong nước vì hầu hết những nhà phát triển làm ra phần mềm để dùng cho các hệ điều hành được sản xuất tại Mỹ như Windows của Microsoft hay macOS của Apple.
Cũng bởi vì công nghệ là ngành toàn cầu với các chuỗi cung ứng có mức độ hội nhập rất cao và chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có sự hợp tác xuyên biên giới, nên sự phân ly sâu rộng và hoàn toàn giữa Mỹ và Trung chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong tất cả các ngành và tất cả các quốc gia trên thế giới. Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải chọn chơi với ai, chơi theo luật Mỹ hay theo luật Trung Quốc… Apple và TSMC, chẳng hạn, vì mức độ phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và Trung Quốc mà đến giờ vẫn còn loay hoay chưa nghĩ ra giải pháp đối phó nào vẹn toàn trước xu hướng phân ly này.
Robert Zoellick, cựu Chủ tịch World Bank, cũng khuyến cáo về những mối nguy hiểm khi Bắc Kinh trở thành một vũ trụ hoàn toàn tách biệt với những luật chơi riêng. Sẽ không có người thắng trong một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận