Chiến tranh có xảy ra khi tên lửa Israel tấn công Iran?
Mặc dù tất cả các bên liên quan đều không muốn lao vào một cuộc chiến tổng lực, nhưng lịch sử đã cho thấy điều đó vẫn có thể xảy ra.
ABC News ngày 19/4 dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm ở Iran. Truyền thông nhà nước Iran đưa tin các hệ thống phòng không đã được kích hoạt trên một số thành phố sau khi nghe thấy tiếng nổ gần thành phố trung tâm Isfahan.
Động thái trên diễn ra nhiều ngày sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel để đáp trả cuộc tấn công vào lãnh sứ quán Iran ở Syria.
Cả khu vực Trung Đông đang hồi hộp chờ đợi những diễn biến tiếp theo, khi bóng ma xung đột khu vực dường như đang đến gần hơn bao giờ hết.
Từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng nó sẽ biến thành một cuộc chiến tranh khu vực, kéo theo Iran và các đồng minh cũng như các nước phương Tây như Mỹ. Trong 6 tháng sau đó, bạo lực đã xảy ra ở khắp Trung Đông với các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Israel và các lực lượng được Iran hậu thuẫn, chủ yếu là nhóm Hezbollah của Lebanon.
Những cuộc tấn công này diễn ra một cách thường xuyên, trong đó mỗi vụ việc lại đánh dấu một bước leo thang mới.
Tên lửa và máy bay không người lái được sử dụng ngày càng nhiều, và càng đi sâu vào lãnh thổ của Lebanon và Israel. Tuy nhiên, mỗi bên đều tỏ ra thận trọng để tránh leo thang quá độ, bởi vậy mà họ lựa chọn mục tiêu tấn công một cách cẩn thận.
Israel tỏ ra mạo hiểm hơn, thường là bên mở rộng ranh giới của “lằn ranh đỏ”, dường như là nhằm mục đích khiến Hezbollah tấn công theo cách tạo cớ cho họ không kích toàn diện hơn vào Lebanon.
Cho đến nay, mặc dù một số chỉ huy cấp cao của Hezbollah đã bị tiêu diệt, nhưng nhóm này vẫn chưa sử dụng đến tên lửa tầm xa của mình.
Nhưng khi Iran chứng kiến một trong những tướng lĩnh của mình bị sát hại trong vụ việc mà nhiều người cho là cuộc tấn công của Israel vào khu phức hợp lãnh sứ quán Iran ở Damascus (Syria) – cuộc tấn công quân sự chưa từng có tiền lệ nhằm vào một phái bộ ngoại giao – Tehran đã dấy lên khả năng tấn công trực diện vào Israel.
Cuộc tấn công của Iran mang ý nghĩa đặc biệt, đây là cuộc tấn công đầu tiên của một quốc gia khác nhằm vào Israel kể từ năm 1991. Nhưng phía Iran đã thận trọng nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của họ là “có giới hạn”, phần lớn máy bay không người lái phải mất nhiều giờ để di chuyển từ Iran và tất cả đều bị bắn hạ.
Giới chức Iran cũng nhiều lần nói rõ rằng các quốc gia trong khu vực đã được cảnh báo 72 giờ trước vụ tấn.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có khả năng cao là Israel sẽ đáp trả quân sự ở một mức độ nào đó. Thủ tướng Benjamin Netanyahu – người từ lâu đã tự coi mình là một nhân vật diều hâu về an ninh và là người kiềm chế Iran – khó có thể chịu một đòn tấn công trực tiếp từ Iran mà không có phản ứng.
Israel, đặc biệt là những nhân vật cứng rắn như ông Netanyahu, luôn tự hào rằng họ là cường quốc quân sự chính ở Trung Đông, và khả năng răn đe là rất quan trọng để duy trì hình ảnh đó, đặc biệt là sau thiệt hại mà Hamas đã gây ra trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/102023
Chưa hết, mặc dù Mỹ và các đồng minh khác ban đầu kiên quyết ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza, nhưng giờ họ đang cố gắng thuyết phục ông Netanyahu không đáp trả Iran. Điều này là bởi các nước này lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến mà nhiều nước, trong đó có Mỹ, sẽ buộc phải can dự.
Tổng thống Joe Biden đang muốn tránh khỏi một cuộc chiến đầy tổn thất khác của Mỹ ở Trung Đông, nhất là trong năm bầu cử. Danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng bởi sự ủng hộ mà ông dành cho Israel khi lực lượng của nước này đã sát hại gần 34.000 người Palestine ở Gaza.
Chính quyền Biden có thể thừa hiểu rằng Israel sẽ tấn công trả đũa, nhưng họ vẫn gây áp lực lên ông Netanyahu để hạn chế hành động này. Có vẻ như tất cả các bên - có lẽ ngoại trừ một số nhân vật trong chính phủ Israel - đều muốn tránh một cuộc chiến tranh tổng lực có thể gây tổn hại cho tất cả những bên liên quan và khu vực rộng lớn hơn.
Trớ trêu thay, mỗi bên đều muốn có những kết quả mà họ mong đợi, và điều này có khả năng dẫn đến cuộc xung đột mà tất cả đều muốn tránh.
Israel muốn tái lập khả năng răn đe và muốn có tiếng nói cuối cùng. Trong khi đó, Iran không muốn bị coi là yếu đuối hoặc không dám đáp trả trước các cuộc tấn công ngày càng leo thang của Israel.
Rủi ro tính toán sai lầm
Kể cả khi các bên không muốn xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, những tính toán sai lầm vẫn có thể xảy ra và những kế hoạch được chuẩn bị tốt nhất vẫn có thể thất bại.
Như trong Thế chiến I, vụ ám sát Franz Ferdinand, Thái tử của đế quốc hùng mạnh Áo- Hungary, xảy ra vào năm 1914 là vụ việc gây chấn động nhất lịch sử, kéo theo nhiều quốc gia vào cuộc chiến, đi ngược lại những phán đoán của họ và khiến cho hàng triệu người chết.
Nhưng chiến tranh lạnh có thể giúp tránh khỏi chiến tranh. Như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Mỹ và Liên Xô đã tiến gần đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc. Cuối cùng, một giải pháp đã đạt được, ngăn chặn được mối nguy hiểm, mặc dù hai nước vẫn giữ thái độ không thân thiện trong nhiều thập kỷ sau đó.
Điều đó cũng có thể xảy ra ở hiện tại. Nhưng bất kỳ giải pháp nào nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện tại không chỉ đơn giản là giữa Iran và Israel. Nó phải đi sâu vào nguyên nhân tại sao khu vực này lại đứng bên bờ vực chiến tranh ngày nay: cuộc chiến tàn khốc của Israel ở Gaza.
Chừng nào xung đột còn tiếp diễn và các cuộc không kích của Israel còn tiếp tục dẫn đến những cái chết của thường dân, sẽ luôn còn những tác nhân tiềm tàng có thể kéo cả khu vực vào một cuộc chiến tranh.
Ngoài ra, sự bất lực của các cường quốc thế giới trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, vấn đề khó giải quyết nhất trong khu vực, sẽ tiếp tục là nguồn gốc của sự bất ổn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận