Chiến sự Ukraine: Đây là lý do Tổng thống Pháp Macron là lãnh đạo EU duy nhất mà Putin nói chuyện
Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon đã có nhiều cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn bất kỳ nhà lãnh đạo EU nào kể từ khi lực lượng Nga tấn công Ukraine. Đây là lý do:
Chiến sự Nga-Ukraine đã trải qua15 ngày, ghi nhận những thiệt hại về người và của từ cả hai phía, trong đó, hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa chạy trốn chiến tranh. Các nhà lãnh đạo thế giới đã cố gắng giải quyết tình hình, nhưng chỉ có một số ít nhà lãnh đạo EU có thể trao đổi được với Tổng thống Nga về vấn đề này.
Tại sao ông Emmanuel Macron là người duy nhất mà Putin nói chuyện?
Ông Macron đóng vai trò như một người phát ngôn của phương Tây. Ông đã có một cuộc đối thoại cởi mở với ông Putin trong suốt thời gian xảy ra chiến sự Nga-Ukraine. Trong khi các quốc gia khác cắt đứt quan hệ với Nga, ông Marcon đã nói chuyện với ông Putin 11 lần trong tháng qua, gần đây nhất là vào ngày 6/3.
Giao tiếp của họ là sự kết hợp của nhiều cách tiếp cận, trong đó có những lần ông Putin là người chủ động gọi trước và những cuộc gọi còn lại, ông Macron cũng là người chủ động trước. Giới phân tích nói rằng, sự gần gũi khác thường của họ là có những lý do đằng sau.
Ngoại giao thẳng thắn
Lý do đầu tiên đó là ông Marcon tin rằng, với sự hiểu biết của ông và ông Putin, hai bên thảo luận sẽ có hi vọng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Pháp Marcon có lịch sử nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với những nước mà EU có thể chào đón với tư cách là đồng minh, như đã được chứng minh trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump thường xuyên bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi với các nhà lãnh đạo châu Âu, khiến ông ngày càng xa cách NATO. Ông Macron duy trì quan hệ với Mỹ trong thời gian này, giữ mối liên hệ gần gũi vời chính quyền dưới thời ông Trump để ngăn xung đột gia tăng.
Một cựu cố vấn nói với Politico rằng ông Macron có "nỗi ám ảnh" với Trump và Putin, nói thêm rằng ông cảm thấy họ nên được "cân nhắc".
Bầu cử Pháp 2022
Một câu trả lời có thể khác cho mối quan hệ được tăng cường giữa Paris và Moscow là cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Pháp.
Người dân Pháp sẽ bỏ phiếu trong hai vòng vào tháng tới, từ ngày 10 đến ngày 24/4, để quyết định xem ông Macron có thắng cử nhiệm kỳ thứ hai hay không.
Hiện tại, ông Marcon đang dẫn trước đối thủ gần nhất của mình, Marine Le Pen, khoảng 14 điểm với chiến thắng trong hiệp hai được dự đoán là 57% so với 43% của bà Le Pen.
Trong những ngày gần đây, cuộc đối thoại với Putin đã được công bố rộng rãi, khi Điện Elysee công bố một số bức ảnh chụp Tổng thống Pháp ôm đầu sau cuộc điện đàm ngày 6/3.
Những bức ảnh này cho thấy ông Macron làm việc chăm chỉ và có thể sẽ thuyết phục một số cử tri Pháp rằng ông xứng đáng với nhiệm kỳ thứ hai.
Thông điệp của Điện Kremlin
Trong khi ông Macron có thể quan tâm đến châu Âu, và thậm chí là lợi ích tốt nhất của Nga, thì ông Putin đã cho thấy xu hướng phá vỡ câu chuyện của phương Tây. Trong suốt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bản thân Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov cũng nhiều lần khẳng định rằng "Nga không tấn công Ukraine" mặc dù tuyên bố này đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ và dư luận châu Âu phản đối.
Khi nói chuyện với Tổng thống Pháp, ông Putin có thể lặp lại những tuyên truyền của Nga thông qua một nguồn phương Tây, vì ông Macron chắc chắn công bố tóm tắt về nội dung cuộc gọi của họ.
Tuần trước, các quan chức Elysee cho biết Nga khẳng định cuộc chiến đang "diễn ra theo đúng kế hoạch" và lặp lại những cáo buộc rằng một tổ chức phát xít mới đã nắm quyền kiểm soát chính phủ Ukraine.
Mặc dù các nhân viên Pháp chỉ chuyển tiếp nội dung cuộc gọi, nhưng điều đó có nghĩa là họ đã phát đi các điểm chính trong nội dung thảo luận của Điện Kremlin thông qua các phương tiện truyền thông phương Tây.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Nga, cô lập nước Nga khỏi phương Tây và khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào các nước láng giềng phía đông như Trung Quốc.
Ông Macron trước đây đã nói rằng ông coi Nga là một "quốc gia châu Âu sâu sắc", và một cựu trợ lý khác nói với Politico rằng ông muốn đem lại cho ông Putin một "sự thay thế".
Mặc dù Trung Quốc không công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine, nhưng họ cũng không đưa ra lời lên án rõ ràng.
Nga càng xích lại gần quốc gia láng giềng, thì khả năng thành lập một liên minh phương đông càng cao.
Tổng thống Pháp có thể muốn làm theo những gì các quốc gia châu Âu khác đã làm và ngăn Trung Quốc giành thêm ảnh hưởng trong khu vực bằng cách giữ mối quan hệ với Putin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận