Chiến sự ngày thứ 37: Ukraine bị tố không kích ở Nga, EU cảnh báo Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Anh cho hay các nước phương Tây đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để đối phó Nga, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo lực lượng Nga đang chuẩn bị tiến hành “tấn công mạnh”.
Tính đến ngày 1.4, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 37. Hai bên ngày 1.4 đã khôi phục đàm phán theo hình thức trực tuyến sau khi trải qua cuộc đàm phán trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3. Tuy nhiên, các bên vẫn có động thái mới có thể khiến cuộc xung đột leo thang.
Ukraine bị tố không kích kho nhiên liệu ở Nga
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 1.4 đã lên tiếng sau khi một quan chức Nga cáo buộc hai trực thăng quân sự Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga cùng ngày.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho hay ông không xác nhận hay bác bỏ cáo buộc trên, nhưng nhấn mạnh Ukraine “đang thực hiện chiến dịch phòng thủ và không thể chịu trách nhiệm cho mọi thảm họa trên lãnh thổ Nga”, theo Reuters.
Kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod, Nga bốc cháy ngày 1.4. Reuters |
Trước đó, tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov của tỉnh Belgorod viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng hai trực thăng Ukraine đã tấn công kho nhiên liệu nói trên sau khi vượt qua biên giới ở tầm thấp, theo Reuters. Đây là lần đầu tiên Ukraine bị cáo buộc tiến hành cuộc không kích trên đất Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.
Ukraine chiếm lại hai ngôi làng
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh ngày 1.4 đánh giá lực lượng Ukraine đã chiếm lại hai ngôi làng Sloboda và Lukashivka, ở phía nam thành phố Chernihiv và nằm dọc những tuyến đường tiếp tế quan trọng giữa thành phố này và thủ đô Kyiv, theo Reuters.
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych khẳng định lực lượng Ukraine đang đẩy lùi binh sĩ Nga ở phía đông bắc và tây bắc của thủ đô Kyiv, nhưng quân Nga vẫn đang cố bao vây Chernihiv, theo Reuters. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.“Ukraine cũng đã tiếp tục tiến hành những cuộc phản công hạn chế nhưng thành công ở phía đông và bắc của Kyiv”, Bộ Quốc phòng Anh nhận định. Kyiv và Chernihiv vẫn liên tục bị phóng tên lửa và không kích dù Moscow hôm 29.3 tuyên bố sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự xung quanh 2 thành phố này, theo Bộ Quốc phòng Anh.
Nga rút khỏi nhà máy Chernobyl
Trong khi đó, binh sĩ Nga đã giao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cho phía Ukraine và đã rút toàn bộ lực lượng khỏi đây sau hơn một tháng.
Một số binh sĩ bị phơi nhiễm phóng xạ mức cao trong lúc đào hào tại khu rừng thuộc khu vực cấm quanh nhà máy điện hạt nhân cũ, theo AP. Phía Nga còn bị cáo buộc bắt một số thành viên vệ binh quốc gia Ukraine theo làm con tin. Phía Nga chưa bình luận gì về những thông tin này.
Nga đang củng cố lực lượng?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 31.3 đánh giá tình hình chiến sự ở miền nam và vùng Donbass thuộc miền đông nước này vẫn còn vô cùng khó khăn, cảnh báo Nga đang củng cố lực lượng và chuẩn bị tiến hành “cuộc tấn công mạnh” ở khu vực, theo AFP.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng khoảng 1.200-2.000 binh sĩ Nga từ Georgia đang được tái tổ chức thành 3 nhóm chiến thuật để tăng cường chiến dịch tại Ukraine.
Phương Tây đồng ý cung cấp pháo tầm xa cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 31.3 cho hay các nước phương Tây đã đồng ý gửi xe bọc thép và pháo tầm xa cho Ukraine, theo tờ The Guardian. Ông Wallace khẳng định Ukraine cần pháo tầm xa để đối phó hành động quân sự của Nga, nhưng khẳng định số vũ khí mới không bao gồm xe tăng và những vũ khí gây chết người nhiều hơn mà Tổng thống Zelensky đã đề nghị.
Ngoài ra, người phát ngôn John Kirby của Lầu Năm Góc ngày 31.3 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã quyết định duy trì lực lượng thuộc Sư đoàn lính dù 82 của Mỹ tại Ba Lan thêm một thời gian nữa. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman cũng sẽ tiếp tục hoạt động tại Địa Trung Hải.
Hai lực lượng này được triển khai để phản ứng lại chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Hiện có khoảng 7.000 binh sĩ Mỹ tại Ba Lan.
Nga cấm vận lãnh đạo EU
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bị cấm đến Nga nhằm đáp trả “những hành động không thân thiện” của EU, sau khi khối này áp đặt lệnh cấm vận lên Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong một tuyên bố vào ngày 31.3, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng chính sách cấm vận của EU “vượt quá tất cả giới hạn” và ý định của EU rõ ràng là “buộc Nga từ bỏ những lợi ích sống còn của mình”, theo Đài RT.
EU cảnh báo Trung Quốc
Sau cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1.4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo với các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên hỗ trợ Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hay tránh những lệnh cấm vận của phương Tây. “Việc đó sẽ dẫn tới Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng về danh tiếng ở châu Âu”, bà Von der Leyen nhấn mạnh, theo AFP.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với giới lãnh đạo EU rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine theo cách của riêng mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận