Chiến lược zero Covid cứng rắn và hiệu quả của Hong Kong (Trung Quốc)
Mặc dù có quyền tự trị nhất định, Đặc khu hành chính Hong Kong vẫn lựa chọn chiến lược zero Covid (giống như Trung Quốc đại lục) để ứng phó với đại dịch toàn cầu. Thành phố này triển khai chiến lược đó một cách hết sức nghiêm ngặt, thậm chí đến tận bây giờ.
Darryl Chan dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) khi đặt chân lên Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 12/2021. Trong hơn 2 tuần sau đó, dù không có bất cứ triệu chứng nào, Chan vẫn bị cách ly trong bệnh viện và chưa có dấu hiệu được phép rời khỏi đây.
Sẵn sàng cách ly và phong tỏa
Cùng với đại lục Trung Quốc, Hong Kong là một trong nhưng nơi ít ỏi trên thế giới vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid” (quyết không để gia tăng các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng). Giới chức Hong Kong cho hay, ưu tiên của thành phố này là tái mở cửa biên giới với đại lục, chứ không phải là phần còn lại của thế giới.
Điều đó đồng nghĩa với việc hầu hết những người không phải là công dân thành phố Hong Kong bị cấm nhập cảnh vào đây, trong khi gần như hầu hết những người đến từ nước ngoài phải trải qua thời kỳ cách ly 21 ngày, kể cả khi họ được tiêm chủng đầy đủ.
Hong Kong cho rằng những người đến từ Anh là mối nguy cơ cao do biến thể Omicron và họ phải chịu các biện pháp xét nghiệm và cách ly gắt gao nhất, bao gồm việc phải sống 4 ngày đầu tiên trong một trại của chính quyền.
Vào ngày 19/12/2021, Chan bay từ London (Anh) tới Hong Kong để khởi đầu một công việc mới.
Chan cho biết anh đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vài lần trước chuyến bay. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho việc cách ly nhưng những gì xảy đến vẫn khiến anh bất ngờ.
Khi tới Hong Kong, Chan phải xét nghiệm Covid-19 bắt buộc và phải đợi nhiều tiếng đồng hồ tại sân bay. Kết quả ban đầu là anh “sơ bộ dương tính”, do vậy anh phải làm thêm một lần xét nghiệm nữa. Sau đó Chan được đưa tới một khu vực cách ly có giường tạm.
Chan kể về trải nghiệm của mình: “Khá là sốc. Tôi đã làm nhiều xét nghiệm trong tuần trước chuyến bay, kết quả đều âm tính. Tôi không thể tưởng được mình lại dương tính khi tới đây”.
Khoảng 13 tiếng sau khi máy bay chở Chan hạ cánh xuống Hong Kong, anh được xe cứu thương đưa tới một bệnh viện gần đó để xét nghiệm thêm. Sau đó người ta xác định Chan đã nhiễm biến thể Omicron dù anh vẫn chưa bộc lộ triệu chứng nào.
Trong những ngày gần đây, Hong Kong đã nhận diện được một số ca Omicron trong ổ dịch liên quan đến phi hành đoàn. Diễn biến này đã làm ngắt quãng chuỗi gần như 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Hong Kong. Những người xác định mắc bệnh đã được nhập viện.
Trong khi đó, hàng trăm người bao gồm hơn 20 nhân viên nhà hàng có tiếp xúc gần với các ca dương tính đã được đưa tới các khu vực tập trung của chính quyền để cách ly và xét nghiệm diện rộng trong 21 ngày. Bất cứ ai dương tính đều bị chuyển vào bệnh viện.
Bất cứ ai có mặt ở nơi có các ca “F0” trên vào cùng thời điểm trong các ngày gần đây cũng được lệnh phải thực hiện xét nghiệm, còn một số tòa nhà chung cư có liên hệ với cụm lây nhiễm nói trên đã tạm thời bị phong tỏa để phục vụ việc xét nghiệm diện rộng.
Cảnh giác cao độ
Trong bối cảnh mối lo ngại về lây nhiễm Omicron trong cộng đồng gia tăng, lãnh đạo Đặc khu hành chính Hong Kong – Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), vào hôm 4/1/2022 nói rằng việc nối lại hoạt động đi lại bình thường giữa Hong Kong và đại lục Trung Quốc sẽ “phải đợi thêm một thời gian nữa”.
Ngay trước khi xuất hiện cụm lây nhiễm nói trên, bà Lam đã tái khẳng định quan điểm zero Covid của Hong Kong.
Tuyên bố của lãnh đạo Lam vào ngày 28/12/2021 có đoạn: “Hong Kong đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn tình trạng nhập khẩu các ca bệnh, nhằm duy trì trạng thái lây nhiễm trong cộng đồng ở mức 0”. Bà khẳng định, “đối mặt với với sự tàn phá dữ dội của Omicron, chúng ta cần phải cảnh giác hơn nữa”.
Kẹt trong bệnh viện
Theo giới chức Hong Kong, mức cách ly tối thiểu đối với mọi người dương tính với Covid-19 (ngay cả khi không có triệu chứng) là gần một tháng. Họ phải ở trong bệnh viện ít nhất 10 ngày và không được phép rời đi chừng nào chưa có xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, cho dù việc này có dài lâu như thế nào.
Nhưng ngay cả khi xét nghiệm âm tính 2 lần, Chan vẫn chưa thể rời khỏi đây ngay. Sau thời điểm đó, những người trong diện cách ly được chuyển tới một cơ sở cách ly thêm 14 ngày nữa.
Khi tới bệnh viện, Chan đã được đưa vào phòng cách ly cùng với 2 trường hợp F0 khác cũng nhiễm Omicron. Anh phải ở trong phòng tới 24 tiếng/ngày và không được tập thể dục ngoài trời.
Lịch sinh hoạt trong một ngày của Chan do bệnh viện định ra. Vào 8h, hệ thống chuông công cộng đánh thức anh dậy. Sau đó có thông báo nhắn anh thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân thiết yếu.
Chan nhận các bữa ăn do bệnh viện cung cấp vào những giờ cố định. Trong lúc đợi chờ, Chan dành thời gian liên lạc với gia đình và bạn bè qua mạng xã hội, theo dõi Netflix.
Chan cho biết, các bác sĩ không thể nói rõ khi nào anh ra viện vì điều đó tùy thuộc khi nào anh ngừng dương tính, khi đó họ mới đếm ngược thời gian đến lúc anh được xuất viện.
Nêu cao tinh thần vì cái chung
Kể từ khi nổ ra đại dịch Covid-19, Hong Kong mới chỉ ghi nhận hơn 12.600 ca mắc và 213 trường hợp tử vong, theo các con số chính thức của chính quyền địa phương. Mức này là thấp hơn nhiều so với con số của nhiều thành phố có cùng quy mô trên thế giới.
Nhưng trong khi cách tiếp cận zero Covid đã ngăn ngừa tình trạng nhập viện ở các cư dân Hong Kong, thành phố này lại phải đấu tranh với tâm lý ngần ngại tiêm vaccine, dù cho nơi đây các mũi tiêm chủng là miễn phí và được cung cấp cho các cư dân trên 3 tuổi. Tới nay, chưa tới 70% trong tổng số 7,5 triệu dân Hong Kong tiêm đầy đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19.
Mức tiêm chủng đặc biệt thấp ở nhóm người già cả - nhóm có nguy cơ cao phải nhập viện và bị tử vong do Covid-19.
Thay vào đó, Hong Kong đang trông cậy vào việc giới hạn tụ tập đông người, đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, theo dõi, truy vết, xét nghiệm, cách ly những người nghi nhiễm và các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm, cộng thêm các biện pháp siết chặt biên giới.
Trong một thông cáo vào ngày 29/12/2021, chính quyền Hong Kong tái khẳng định tiếp tục triển khai các biện pháp cứng rắn, bao gồm cả cơ sở cách ly quy mô lớn của thành phố này.
Thông cáo có đoạn: “Gần đây tình hình dịch bệnh toàn cầu đã xấu đi đáng kể do biến thể Omicron. Chính quyền phải nêu cao cảnh giác để ngăn ngừa dịch bệnh, đợt bùng phát làn sóng thứ 5 trong cộng đồng. Sau khi xem xét tình hình một cách tổng hợp và thận trọng, Chính quyền quyết định cần thiết phải giữ lại tất cả các phòng tại Trung tâm Cách ly Penny's Bay để phục vụ mục đích cách ly kiểm dịch”.
Tác động tâm lý
Hong Kong rất thành công trong việc kiềm chế Covid-19, nhưng các chuyên gia đồng thời cảnh báo rằng thời gian cách ly kéo dài thường khiến những người bị cách ly có những vấn đề về tâm lý.
Tiến sĩ Elisabeth Wong – một nhà tâm thần học tại Hong Kong, cho biết: “Nhìn chung, tâm lý của con người là ngày càng thấy cô độc, lo âu”.
Tuy nhiên bà Wong cũng cho rằng có một số mẹo để duy trì trạng thái tinh thần tốt. Theo bà, nếu biết cách sắp xếp lịch trình hàng ngày thì vẫn có thời gian làm việc và nghỉ ngơi. “Nên xen kẽ nhiều yếu tố tập thể dục”.
Tiến sĩ Wong còn khuyên không nên coi cách ly như một dạng trừng phạt mà nên xem đó như hành động vị tha, vì tập thể. “Bạn đang làm việc tốt vì xã hội đó”.
Trong khi đó, Chan lo ngại về sức khỏe tinh thần của mình khi bị cách ly dài ngày. Anh chia sẻ, mình đang tìm cách biến thời gian ở nơi cách ly thành thời gian hữu ích, thú vị./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận