24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng Việt Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chiến lược phát triển bền vững xuất sắc đã nâng tầm vị thế của Home Credit trong deal "bom tấn" như thế nào?

Khi tin tức về thương vụ chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Home Credit Việt Nam cho SCB Thái Lan bắt đầu lan truyền, giới tài chính ồ à rất nhiều về giá trị khổng lồ của thỏa thuận.

800 triệu USD là nhiều hay ít? Là đắt hay rẻ?

Người thường như chúng ta thì không ai biết được. Ta nào có được những số liệu tài chính và kinh doanh nội bộ của doanh nghiệp. Vì những yếu tố tác động đến kết quả định giá thì rất nhiều:

1. Doanh thu và Lợi nhuận: Các chỉ số tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận ròng và EBITDA là những yếu tố quan trọng nhất được xem xét khi định giá doanh nghiệp.

2. Dòng tiền: Dòng tiền tự do phản ánh khả năng sinh lời và tạo ra tiền mặt của doanh nghiệp.

3. Tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng cho thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

4. Đặc thù ngành và vị thế thị trường.

5. Tài sản: Tổng giá trị của tài sản cố định và lưu động, bao gồm cả bất động sản, thiết bị, hàng tồn kho, và các khoản phải thu. Trong một số ngành, lượng khách hàng có phát sinh doanh thu thường xuyên cũng được coi là một loại tài sản.

6. Nợ và Gánh nặng Tài chính: Tổng nợ và các nghĩa vụ tài chính khác. Tôi có lần bị hố vì yếu tố này

7. Văn hóa và Đội ngũ: Văn hóa doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt. Tôi chứng kiến nhiều phi vụ M&A chỉ để mua nhân sự chủ chốt.

8. Rủi ro: Các rủi ro liên quan (pháp lý, thị trường, vận hành).

Các phương pháp định giá phổ biến là phân tích so sánh thị trường, dòng tiền chiết khấu (DCF) và giá trị sổ sách. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, và thường một sự kết hợp của nhiều phương pháp sẽ được sử dụng để đạt được một định giá thuyết phục nhất.

Đó là hiểu biết của cấp chuyên viên

Còn các ông chủ thực thụ thì ra quyết định như thế nào?

1. “Thích thì mua, tiền thôi mà”! Hãy nhớ trường hợp các tỷ phú mua lại các đội bóng đá, các điền trang rượu nho hay thương hiệu danh tiếng.

2. “Bị ép phải mua, bị buộc phải đầu tư, không thì không ổn”. Vì sức ép, vì nể trọng hay đánh đổi gì đấy.

3. “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”. Không quan trọng nó tốn bao nhiêu tiền, quan trọng là nó giúp ta tạo ra thêm bao nhiêu tiền. Đa phần nhóm này sẽ chiếm đa số. Hãy nhớ đến thương vụ kem đánh răng P/S hay Dạ Lan lúc trước hay Bia Sài Gòn gần đây. Họ không chỉ mua doanh nghiệp, họ mua hệ thống phân phối đó chứ. Hay thương vụ Apple mua Beats, Google mua Motorola, Microsoft mua LinkedIn… là để sở hữu công nghệ và các bằng phát minh sáng chế đó chứ…

Theo cảm nhận từ góc nhìn “người bên ngoài” của tôi thì thương vụ Home Credit thuộc nhóm 3 này.

Siam Commercial Bank (SCB), một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất Thái Lan, cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính từ ngân hàng cá nhân, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư đến quản lý tài sản cho khách hàng. Khi mua lại Home Credit, ít nhất có 3 thứ mà họ khai thác được THÊM:

1. Đưa được các sản phẩm và dịch vụ của họ vào Việt Nam. Với sự thuận lợi cực lớn khi Home Credit sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ kèm điểm tín dụng (credit scoring) THỰC của khách hàng.

2. Làm chủ được know-how của dịch vụ tín dụng cá nhân Home Credit. Tùy theo các điều khoản của hợp đồng mà SCB có thể sử dụng trực tiếp để kinh doanh tại thị trường Thái Lan hay gián tiếp sử dụng để phát triển sản phẩm gần tương tự.

3. Sẵn sàng hơn cho một xu hướng tất yếu là ESG. Với điểm ESG khá thuận lợi của Home Credit Vietnam (tôi đoán vậy ), việc phát triển trong tương lai sẽ rất thuận lợi. Điểm số ấy cũng giúp công ty mẹ SCB dễ đạt chuẩn hơn và tiếp cận các dòng tài chính quốc tế dễ dàng hơn.

Ngành hoạt động tài chính tiêu dùng rất đặc thù, đòi hỏi giấy phép đặc biệt (hạn chế) để được phép hoạt động cùng một hình ảnh sang, sạch và tích cực trong mắt cộng đồng, truyền thông và các cơ quan quản lý để được phép thành công.

Đây là lúc ta thấy được vai trò của hình ảnh thương hiệu cùng chiến lược ESG thông minh mà Home Credit đã dày công đầu tư từ thời mới thành lập vào trong định giá của doanh nghiệp.

Thế xây chúng có đắt lắm không?

Đắt hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp và cách làm. Với trường hợp của Home Credit thì tôi đoán là không đắt vì:

- Sự tích hợp chiến lược thương hiệu với CSR/ESG một cách tự nhiên ngay từ đầu, và nhất quán với chiến lược doanh nghiệp.

- Cách thực thi một số dự án khá thông minh khi tận dụng được năng lực hệ thống sẵn có (không tăng chi phí quá nhiều), tập trung vào đúng nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu (làm trách nhiệm xã hội đồng thời là làm thương hiệu & hỗ trợ bán hàng). Các dự án Home for Life, Home Smart, Home Love… là những ví dụ tiêu biểu.

- Việc triển khai chiến lược ESG không chỉ là một phần của cam kết với môi trường, xã hội và quản trị công ty, mà còn là sự hiện thực hóa của giá trị cốt lõi mà họ đã theo đuổi từ ngày đầu thành lập. Do vậy, có sự thông suốt và nhất quán từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài trong truyền thông. Nhờ vậy chi phí truyền thông là thấp nhất. Không những vậy, điều này cũng giúp họ thu hút và giữ chân những nhân sự “cùng hệ giá trị” và nhờ vậy chi phí nhân sự sẽ có xu hướng giảm xuống.

Thương hiệu không chỉ là logo hay khẩu hiệu quảng cáo, nó là tổng thể của những gì khách hàng và cộng đồng cảm nhận về một công ty.

Trong ngành tài chính tiêu dùng, nơi mối quan hệ với khách hàng và uy tín thương hiệu có thể quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, việc thực hiện các nguyên tắc ESG đã nâng tầm giá trị của Home Credit lên một đẳng cấp mới.

Như vậy, dường như ta có thể kết luận:

- chiến lược thương hiệu và chiến lược ESG nên được thai nghén, làm đúng ngay từ đầu và nhất quán suốt quá trình hoạt động của nó. Hoặc ít nhất là trong suốt một giai đoạn chiến lược cụ thể.

- những điều doanh nghiệp cam kết (trong giá trị cốt lõi), làm (hàng ngày/tháng/năm) và truyền thông nên nhất quán với nhau. Tránh trường hợp “đã xạo, còn tỏ vẻ đạo mạo”.

- dù mục đích là thật tâm, nhưng khi thực hiện vẫn phải khéo léo và hướng về hiệu quả để chi phí bỏ ra là ít nhất và tác động là cao nhất.

Tôi không biết liệu chừng Home Credit ngay từ đầu có định “xây lên để bán” hay không mà lại vô tình có một chiến lược kết nối với nhau và nhất quán khéo đến nhường đấy. Thế nhưng, qua câu chuyện thành công của họ, chúng ta vẫn rút ra được những bài học, nguyên tắc và kinh nghiệm đắt giá cho con đường xây dựng doanh nghiệp, chiến lược thương hiệu và ESG của mình.

Checklist để ESG thông minh và bền vững:

1. Định hình chiến lược ESG dựa trên giá trị cốt lõi và sứ mệnh doanh nghiệp.

2. Gắn kết chiến lược ESG với hoạt động kinh doanh hàng ngày.

3. Đo lường và báo cáo tiến độ ESG một cách minh bạch.

4. Thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác trong việc thực hiện ESG.

5. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp coi trọng và khuyến khích sự đa dạng, hòa nhập và phát triển bền vững.

6. Kiểm soát rủi ro và tuân thủ pháp luật liên quan đến môi trường, lao động và quản trị.

7. Tạo dựng mối quan hệ với cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng và môi trường.

8. Đảm bảo sự tham gia và cam kết từ cấp quản lý cao nhất đến từng nhân viên.

9. Sử dụng công nghệ và đổi mới để thúc đẩy các mục tiêu ESG.

10. Đánh giá và tái cấu trúc các chiến lược ESG theo thời gian để phản ánh những thay đổi trong kinh doanh và thị trường.

Xây dựng thương hiệu thông qua ESG không chỉ là một cách làm "thông minh" vì nó tạo ra sự khác biệt trên thị trường, mà còn là một cách làm "làm thật" vì nó phản ánh sự cam kết sâu sắc với giá trị cốt lõi và trách nhiệm xã hội. Home Credit và các doanh nghiệp khác đã chứng minh rằng một thương hiệu mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững không chỉ thu hút khách hàng và nhà đầu tư mà còn góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Tôi tin rằng mọi quy mô và loại hình doanh nghiệp, đều có thể, và nên xây dựng thương hiệu và chiến lược kinh doanh dựa trên sự quan tâm đến phát triển bền vững từ ban đầu. Điều này không chỉ giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn mà còn tạo ra giá trị thực sự cho doanh nghiệp và nâng cao vị thế trên thị trường trong tương lai.

Chiến lược phát triển bền vững xuất sắc đã nâng tầm vị thế của Home Credit trong deal "bom tấn" như thế nào?
Chiến lược phát triển bền vững xuất sắc đã nâng tầm vị thế của Home Credit trong deal "bom tấn" như thế nào?
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Trần Bằng Việt Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả