Chiến dịch tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường 'khác thường' của Nhật Bản
Khác với Mỹ và Pháp, Nhật Bản dự tính tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân đã tiêm đủ 2 mũi tiêu chuẩn ban đầu.
Hôm 28/10, một ủy ban của Bộ Y tế Nhật Bản đề nghị tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 cho tất cả những người đã tiêm đủ 2 mũi tiêu chuẩn.
Theo Japan Times, ban đầu, Nhật Bản cân nhắc tiêm mũi thứ 3 vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già và người có bệnh nền.
Nhật Bản có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người đã tiêm 2 liều vắc xin Covid-19 tiêu chuẩn. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban của Bộ Y tế Nhật Bản đã đồng thuận để toàn bộ người dân muốn tiêm mũi tăng cường đều được tiêm ngừa.
Thủ tướng Fumio Kishida cho hay, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường từ tháng 12.
Hồi tháng Chín, Bộ Y tế Nhật Bản quyết định tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm mũi thứ 2 cách ít nhất 8 tháng. Nguyên nhân là do các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 bị giảm khoảng 50% trong vài tháng sau tiêm.
Việc Nhật Bản có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 mũi tăng cường cho tất cả người dân đã tiêm đủ 2 liều ban đầu là đi ngược lại với phần lớn các nước trên thế giới đang triển khai tiêm mũi thứ 3 như Mỹ khi hướng tới nhóm đối tượng cao tuổi và người có bệnh nền.
Nghiên cứu của Mỹ đăng trên tạp chí Lancet hồi đầu tháng 10 cho thấy, hiệu quả của vắc xin giảm từ 88% trong tháng đầu tiên sau tiêm xuống còn 47% sau 5 tháng trên mọi nhóm tuổi tiêm ngừa. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn nhập viện do mắc Covid-19 vẫn duy trì 88% sau 5 tháng tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Hiện ủy ban của Bộ Y tế Nhật Bản chưa đưa ra kết luận về việc liệu người dân có được tiêm lẫn vắc xin trong mũi tiêm thứ 3 hay không. Ví dụ, một người đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 Moderna có thể tiêm mũi 3 là Pfizer.
Cho tới nay, các nước trên thế giới triển khai mũi tiêm tăng cường vẫn chỉ giới hạn về độ tuổi. Tại Mỹ và Pháp, những người trên 65 tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh nền được khuyến cáo đi tiêm mũi thứ 3. Tổng thống Mỹ Joe Biden (78 tuổi) cũng đã tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường vào cuối tháng Chín.
Còn Israel đang thực hiện tiêm mũi tăng cường cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, so với dự kiến ban đầu là những người trên 60 tuổi. Singapore cũng đã hạ độ tuổi tiêm mũi tăng cường từ trên 60 xuống trên 30 tuổi.
Mũi tiêm tăng cường đang là đề tài tranh luận trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới cần tập trung nguồn cung vắc xin Covid-19 cho các nước vẫn chưa hoàn thành mũi tiêm tiêu chuẩn. Bởi theo dữ liệu của Our World in Data, chỉ mới có 3,1% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19. Còn như Nhật Bản, tính tới ngày 29/10, 71,2% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19.
Hiệu quả tiêm phòng
Trong số các nước phát triển trên thế giới, Nhật Bản nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 cao nhất. Theo đó, hơn 70% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Dự kiến tới cuối tháng 11, Nhật Bản sẽ có khoảng 80% dân số tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Theo số liệu mới được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 27/10, Nhật Bản hiện đứng thứ 3 chỉ sau Canada và Italy trong nhóm G7 về tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Mục tiêu hiện tại của chính phủ Nhật Bản là tiêm phòng cho thế hệ trẻ tuổi hơn do tỷ lệ tiêm ngừa ở nhóm này còn ở mức thấp, đồng thời tiêm mũi tăng cường cho nhóm người cao tuổi và có bệnh nền bởi hệ miễn dịch yếu có thể bị ảnh hưởng vào giai đoạn mùa đông.
Dù chiến dịch tiêm phòng toàn dân của Nhật Bản đã diễn ra thành công, nhưng mối lo ngày càng lớn về số ca mới mắc Covid-19 gia tăng đối với nhóm dưới 18 tuổi kể từ tháng Tám. Hiện Nhật Bản vẫn chưa cấp phép tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, đối tượng đang chiếm 9% dân số Nhật Bản.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, khoảng 47,8% trong nhóm từ 12 – 19 tuổi đã tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19, tỷ lệ này ở nhóm trên 20 tuổi là 57,1%, nhóm trên 30 tuổi là 60,8% và nhóm trên 40 tuổi là 70%.
Một phần nguyên nhân là do chiến dịch tiêm chủng từ tháng Hai ban đầu chú trọng vào tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm cao tuổi, do đó người trẻ phải chờ một thời gian sau mới được tiêm ngừa.
Để khuyến khích người dân mà đặc biệt là giới trẻ đi tiêm, chính quyền địa phương ở Nhật Bản đã đưa ra các sáng kiến như tặng xe ô tô và hàng hóa.
Điều đáng nói là trên 90% người trên 70 tuổi ở Nhật Bản đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, ngoại trừ các cụ trên 100 tuổi.
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy 76,9% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 và những người đang chờ tiêm mũi 2 sẽ hoàn thành tiêm ngừa vào cuối tháng 11.
Hoạt động tiêm phòng vắc xin Covid-19 đã chứng minh hiệu quả cao trong việc ngăn chặn nhiễm virus corona, chuyển biến nặng và tử vong ở Nhật Bản. Vắc xin Covid-19 cũng được xem là yếu tố chính giúp Nhật Bản tránh được làn sóng Covid-19 thứ 5 hồi mùa hè diễn biến xấu hơn.
Theo Giáo sư Hiroshi Nishiura tại Đại học Kyoto kiêm thành viên ban cố vấn của chính phủ Nhật Bản, các loại vắc xin Covid-19 đã giúp khoảng 650.000 người không bị nhiễm virus corona, và ngăn 7.200 ca tử vong trong khoảng thời gian từ tháng 3 – 9 năm nay.
Song nghiên cứu của Phó Giáo sư chuyên ngành các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kyoto là ông Yuki Furuse, dù tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 của Nhật Bản có đạt 90%, 100.000 người vẫn có thể bị tử vong vì mắc Covid-19 trong 1 năm, nếu như người dân quay trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch bệnh xuất hiện mà không thực hiện bất cứ biện pháp phòng ngừa.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Nhật Bản đã giảm còn 152 vào ngày 25/10, mức thấp nhất kể từ ngày 1/7/2020, nhưng nhiều chuyên gia dự báo số ca nhiễm virus corona có thể lại tăng từ cuối tháng 10 và đạt đỉnh như hồi tháng Một.
Ông Masahiro Kami, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Y tế tại Tokyo, cho rằng số ca mới mắc Covid-19 có thể tăng 5 – 10 lần so với thời kỳ đỉnh điểm hồi mùa hè.
Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 cho lực lượng y tế từ ngày 1/12 và người cao tuổi là vào năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc mũi tiêm vắc xin Covid-19 tăng cường sẽ được thực hiện sau mũi tiêm thứ 2 ít nhất là 8 tháng.
Song ông Kami cho rằng, khoảng thời gian này là quá muộn. Chính phủ cần đẩy nhanh thời gian tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi để ngăn số ca tử vong trong làn sóng tiếp theo.
“Israel gần như đã hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm cao tuổi vào tháng Một, nhưng vẫn phải chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh vào tháng Sáu. Điều này cho thấy, hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 trong ngăn chặn bệnh diễn biến nặng và tử vong đã hết sau khoảng 5 tháng”, ông Kami chia sẻ.
“Nhiều người già có thể tử vong trong mùa đông năm nay. Một số trung tâm tiêm phòng đang trống người tiêm và vắc xin còn dư thừa. Bộ Y tế cần đẩy nhanh thời gian tiêm mũi tăng cường”, ông Kami nói thêm.
Bé gái 5 tuổi tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 Pfizer tại Đại học Duke hồi tháng Chín. (Ảnh: Reuters)
Tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi
Hôm 28/10, hãng dược Pfizer của Mỹ cho hay đang đàm phán với chính phủ Nhật Bản về việc cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi.
Thông tin này được đưa ra sau khi ủy ban cố vấn của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho nhóm từ 5 – 12 tuổi. Động thái này mở đường cho việc cấp phép chính thức tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 28 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 – 12 ở Mỹ từ đầu tháng 11.
“Nếu Pfizer có thể cung cấp các quy trình dược phẩm cần thiết, chúng tôi sẽ xác nhận độ tin cậy và an toàn của vắc xin và từ đó đưa ra quyết định phù hợp”, ông Yoshihiko Isozaki, phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nói với các phóng viên hôm 27/10.
Thử nghiệm giai đoạn cuối được tiến hành tại Mỹ, Phần Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha cho thấy vắc xin Covid-19 Pfizer đạt hiệu quả và an toàn 90,7% trong ngăn chặn khả năng nhiễm virus corona ngay cả với các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh như Delta.
Liều lượng tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho nhóm nhỏ tuổi hơn là bằng 1/3 so với nhóm từ 12 tuổi trở lên. Hai mũi tiêm được thực hiện cách nhau 3 tuần. Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản nhấn mạnh, tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ khỏe mạnh là bước đi cần thiết, nhưng cần phải xem xét thận trọng.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Y tế Nhật Bản gửi thông báo tới các tỉnh thành về việc chính phủ không khuyến nghị tiêm phòng vắc xin Covid-19 đại trà tại trường học. Theo các chuyên gia, chuyện này cũng sẽ xảy ra tương tự với nhóm trẻ từ 5 – 11 tuổi. Bởi hiện tại trẻ dưới 15 tuổi vẫn cần chữ ký chấp thuận của bố mẹ mới được tiêm phòng.
Các chuyên gia cho biết thêm, một số phụ huynh sẽ do dự đưa trẻ nhỏ tuổi đi tiêm vì lo lắng về các tác dụng phụ.
“Điều quan trọng là những người trưởng thành thường xuyên tiếp xúc với trẻ như giáo viên tại trường học, những ai chưa tiêm phòng cần phải đi tiêm. Nhóm nhỏ tuổi chỉ có tác động nhỏ trong mục đích dịch tễ như đeo khẩu trang. Song vắc xin giúp các em tránh nguy cơ mắc Covid-19. Điều này chứng minh lợi ích cao của việc tiêm vắc xin cho trẻ”, Tiến sĩ Tetsuo Nakayama tại Viện Khoa học Đời sống Kitasato nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận