menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Uyển Trân

Chiến dịch quân sự phủ bóng kinh tế, xã hội Nga

Chiến dịch quân sự Tổng thống Putin phát động ở Ukraine đang dần gây ra những hệ lụy cả về kinh tế và xã hội cho chính nước Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine" do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ngày 24/2 tới nay đã kéo dài sang ngày thứ tư, khi lực lượng Nga vấp phải sức kháng cự đáng kể từ quân đội Ukraine. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt tại Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine.

Nga chưa công bố bao nhiêu quân nhân nước này thiệt mạng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng tại Nga, những bất ổn về kinh tế và xã hội do cuộc tấn công đang dần xuất hiện.

Người Nga đã bất ngờ trước tác động kinh tế chóng vánh của chiến dịch quân sự. Giá trị đồng ruble chạm mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Một USD hiện nay tương đương gần 84 ruble, trong khi cách đây vài tuần, con số này là 74. Đồng ruble suy yếu khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, trong khi loạt biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với những ngân hàng lớn của Nga đã tàn phá thị trường tài chính và các lệnh hạn chế xuất khẩu có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng.

Lalya Sadykova, chủ một chuỗi salon làm đẹp tại St. Petersburg, Nga, cho biết nhiều người không nghĩ tình hình lại chuyển biến nhanh như vậy. "Họ bị sốc với những gì đang xảy ra, khi giá cả thay đổi chóng mặt, còn các nhà cung cấp thì ngừng giao hàng", Sadykova nói.

Dmitri Alekseyev, giám đốc điều hành DNS, một trong những hãng bán lẻ điện tử lớn nhất Nga, nói nguồn cung khan hiếm đã buộc các đại lý của ông phải tăng giá khoảng 30%.

"Tôi không thể hiểu tại sao Nga cần một cuộc chiến tranh", ông viết trên Facebook. "Tôi hiểu việc tăng giá sẽ khiến mọi người giận dữ. Nhưng đó là thực tế".

S7, hãng hàng không lớn thứ hai của Nga, đình chỉ toàn bộ chuyến bay tới châu Âu vì không phận ở khu vực này bị đóng cửa với các máy bay Nga, dấu hiệu cho thấy người dân nước này khó có thể tiếp tục việc đi lại giá rẻ và dễ dàng tới phương Tây. Hình ảnh các nhà bán lẻ thay đổi hoặc gỡ thẻ in giá trên hàng hóa đã lan truyền khắp mạng xã hội.

"Chúng tôi đang đợi những gì xảy ra tiếp theo", Anastasia Baranova nói, cho biết khách sạn mà cô điều hành ở St. Petersburg đã chứng kiến làn sóng hủy đặt phòng vào cuối tuần này. "Cứ như thể cả đất nước đang dừng lại".

Để tránh gây bất ổn trong nước, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về tình hình ở Ukraine không đề cập tới chiến sự ở thủ đô Kiev hay bất kỳ thương vong nào của quân đội Nga, ngay cả khi giao tranh đang diễn ra quyết liệt. Cơ quan này cũng không công bố bất kỳ video nào về các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.

Truyền thông nhà nước Nga hôm 26/2 chiếu cảnh một ngày yên bình ở Kiev để phản bác những video bạo lực lan truyền trên mạng xã hội Telegram. "Như bạn có thể thấy, tình hình ở các thành phố Ukraine rất yên bình. Không có các vụ nổ, không có đánh bom như những gì một số kênh trên Telegram đang đưa", người dẫn chương trình nói.

Không chỉ tác động đến kinh tế, chiến dịch quân sự ở Ukraine dường như cũng đang làm thay đổi một số khía cạnh xã hội Nga. Nghị sĩ Mikhail Matveyev, người từng bỏ phiếu ủng hộ quyết định công nhận hai vùng ly khai ở Ukraine, ngày 26/2 bày tỏ nỗi thất vọng trên Twitter. "Tôi đã bỏ phiếu cho hòa bình, chứ không phải chiến tranh hay để Kiev bị đánh bom", ông viết.

Đây được xem là phản ứng hiếm hoi trong quốc hội Nga, nơi các nghị sĩ thường ủng hộ tuyệt đối các quyết sách đối ngoại quan trọng của ông Putin những năm gần đây. Tatyana Yumasheva, con gái cựu tổng thống Boris Yeltsin, cũng đăng thông điệp phản chiến trên Facebook.

Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Garage ở Moskva, được thành lập bởi một nhà tài phiệt ủng hộ Điện Kremlin Roman Aamovich, tuyên bố ngừng tổ chức các triển lãm mới cho đến khi "thảm kịch con người và chính trị" chấm dứt ở Ukraine.

"Chúng tôi không thể duy trì ảo tưởng rằng mọi thứ vẫn bình thường. Chúng tôi coi mình là một phần của thế giới rộng lớn không bị chia cắt bởi chiến tranh", thông báo của bảo tàng có đoạn.

Tuy nhiên, không phải người dân Nga nào cũng nghĩ như vậy. "Một số người không ủng hộ cuộc chiến, nhưng nó đang được coi là biện pháp cần thiết cuối cùng", Anastasia Nikolskaya, một nhà xã hội học ở Moskva, nói.

Yếu tố quyết định chính cho những gì xảy ra tiếp theo ở Nga là những gì xảy ra tại Ukraine. Chiến sự càng kéo dài, Nga càng khó thực hiện mục tiêu về một chiến dịch hạn chế không nhắm vào dân thường Ukraine, theo Anton Troianovski và Ivan Nechepurenko, hai nhà phân tích của NY Times.

Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, tổ chức nghiên cứu thân cận với chính phủ Nga, nhận định Điện Kremlin không muốn kéo dài cuộc chiến quá hai tuần.

Nếu Nga buộc quân đội Ukraine đầu hàng trong thời gian đó với thương vong hạn chế, ông Putin có thể tiếp tục nhận được ủng hộ cao trong nước. Nhưng nếu cuộc chiến không theo kế hoạch, Kortunov cảnh báo Nga có thể chứng kiến hậu quả chính trị nghiêm trọng.

"Chiến thắng sẽ giúp xóa đi nhiều thứ, dù không phải tất cả. Nếu không có chiến thắng, rắc rối sẽ xuất hiện", Kortunov nói.

Những diễn biến gần đây nhiều khả năng chỉ là khởi đầu của một chương mới trong cuộc đối đầu của ông Putin với phương Tây. Dmitri Medvedev, phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, đưa ra suy đoán trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 26/2 rằng Moskva có thể tái áp đặt các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài ở Nga, như tịch thu tài sản, để đáp trả loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Phần thú vị mới chỉ bắt đầu", ông viết.

Bất chấp những tác động nghiêm trọng tới kinh tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể khó thay đổi lộ trình trong ngắn hạn của Nga, theo giới phân tích. Nga có nguồn dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble và Điện Kremlin đã nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi những cú sốc từ bên ngoài kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nhưng về lâu dài, các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới sự phát triển của Nga, theo Yevgeny Nadorshin, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn PF Capital ở Moskva. Thu nhập của người dân sẽ tiếp tục trì trệ và tầng lớp trung lưu Nga sẽ bị thu hẹp. Nhiều nhà sản xuất tàu hỏa, ôtô và các sản phẩm hiện đại sẽ đối mặt rắc rối nghiêm trọng nếu phương Tây cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga.

Ngoài tác động kinh tế của cuộc chiến, nhiều người Nga vẫn chưa thể tưởng tượng những gì phải đối mặt trong tương lai. "Tôi sợ gặp người Ukraine và nhìn vào mắt họ", Aleksei, nhà thiết kế 28 tuổi, nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả