Chiến dịch khủng trước ngày tiêm chủng vắc xin Covid-19
Chiến dịch hậu cần quy mô lớn chưa từng thấy đang được thực hiện tại Mỹ để lưu trữ và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 đến người dân.
Để chuẩn bị cho việc vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể được cấp phép lưu hành vào tuần sau, các công ty Mỹ đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị điều kiện lưu trữ và phân phối, đặc biệt khi vắc xin này cần giữ ở mức âm 70 độ C.
Huy động nguồn lực cực lớn
Tờ Daily Memphian đưa tin các công ty đóng vai trò lớn trong việc lưu trữ và phân phối vắc xin tại Mỹ như McKesson, FedEx, UPS đang chuẩn bị nguồn lực. FedEx được cho là có khoảng 90 cơ sở bảo quản lạnh tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Úc. Cơ sở của hãng này có thể giữ lạnh cho hầu hết các loại vắc xin ở nhiệt độ âm 25 độ C và đang mua thêm tủ lạnh để trữ vắc xin của Pfizer. UPS đã phát triển các tủ lạnh cỡ nhỏ có thể đựng vắc xin ở nhiệt độ từ âm 20 đến âm 80 độ C. Bên cạnh đó, công ty cho biết có thể sản xuất khoảng nửa tấn đá khô mỗi giờ tại các cơ sở ở Mỹ và Canada để giữ nhiệt cho các tủ lạnh, theo trang Axios.
Theo AFP, Hãng sản xuất tủ siêu lạnh So-Low thông báo số lượng đơn đặt hàng tăng đột biến từ cuối tháng 9, vì tủ lạnh của hãng này có thể đạt đến nhiệt độ âm 84 độ C. Lượng đơn hàng mua tủ lạnh nhiệt độ âm 30 độ C cũng tăng nhiều, được cho là nhằm chuẩn bị để trữ vắc xin của Moderna, loại chỉ yêu cầu nhiệt độ âm 20 độ C. Ông Danny Hansler, Giám đốc bán hàng của So-Low, cho biết nhân viên công ty đang phải làm tăng ca 5 ngày mỗi tuần, cộng thêm ngày thứ bảy để mong kịp tiến độ.
Hãng sản xuất xe hơi Ford thông báo đã đặt mua cả chục tủ siêu lạnh để bảo quản vắc xin cho nhân viên của hãng nếu được phân phối. Khối sản xuất xe hơi được cho là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhưng không thuộc nhóm ưu tiên được tiêm chủng như lực lượng nhân viên y tế và người sống trong viện dưỡng lão, theo Reuters.
Người dân Moscow được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngày 5.12. ẢNH: AFP
Mặt khác, các công ty không liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, lưu trữ và vận chuyển vắc xin cũng đang tham gia quá trình này. Hãng sản xuất và đóng gói thịt Smithfield cho biết đang kiểm tra các kho lạnh của công ty và sẵn sàng hỗ trợ cơ quan y tế trong việc bảo quản và phân phối vắc xin nếu cần. Trong khi đó, General Motors nói đang liên hệ với các cơ quan chính phủ và giới chức y tế để phối hợp trong việc phân phối vắc xin.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang đứng trước sức ép lớn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đến nay vẫn chưa cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19. Trong tuần này, Anh trở thành nước đầu tiên cấp phép cho vắc xin của Pfizer/BioNTech và bắt đầu tiêm chủng vào tuần sau. Lãnh đạo FDA Stephen Hahn hôm qua cho biết dự kiến sẽ cấp phép trong tháng này và ước tính sẽ có 20 triệu người Mỹ được tiêm chủng trong năm nay, theo Reuters.
Trong khi đó, việc tiêm chủng trên diện rộng chính thức bắt đầu tại thủ đô Moscow của Nga trong hôm qua. Đối tượng được tiêm chủng là bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên công tác xã hội từ 18 - 60 tuổi. Những người có bệnh nền, phụ nữ đang mang thai hay người mắc bệnh hô hấp trong 2 tuần gần nhất không được tiêm chủng. Vắc xin Sputnik V được cơ quan y tế Nga cấp phép hồi tháng 8, được cho là hiệu quả đến 95% và không gây phản ứng phụ nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 51 loại vắc xin Covid-19 được thử nghiệm trên người, trong đó 13 loại đạt đến giai đoạn cuối cùng. Giới lãnh đạo WHO cho rằng tiến triển trong phát triển vắc xin là “ánh sáng cuối đường hầm” nhưng cảnh báo không nên tự mãn quá sớm, vì đại dịch vẫn chưa kết thúc và chỉ riêng việc tiêm chủng không giúp ngăn chặn đại dịch.
Covid-19 lây lan mạnh
Tính đến tối qua 5.12, khoảng 66 triệu người trên toàn cầu đã bị nhiễm Covid-19, trong đó hơn 1,5 triệu người tử vong. Mỹ ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp vào hôm 4.12 (225.000 ca) trong khi dịch bệnh cũng đang tăng tốc báo động ở các nước vùng Caribe, Mỹ Latin và châu Âu. Chính quyền nhiều nơi đang áp dụng biện pháp đề phòng trong kỳ nghỉ cuối năm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bối cảnh vắc xin vẫn còn khan hiếm, ít nhất là đến năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận