Chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên huyền ảo nhất hành tinh
Những kỳ quan này truyền cảm hứng cho hầu hết du khách và đó là một phần lý do khiến chúng càng trở nên thu hút đến vậy.
Salar de Uyuni, Bôlivia
Khi một hồ nước thời tiền sử cạn kiệt khoảng 30.000 năm trước, nó để lại một vùng đất rộng vô tận với những viên gạch hình lục giác màu trắng trải dài đến tận chân trời. Đây chính là cánh đồng muối lớn nhất thế giới, địa điểm này cung cấp hơn 25.000 tấn muối mỗi năm cho các thợ mỏ địa phương, thu hút hàng nghìn con hồng hạc và hàng triệu du khách mỗi năm.
Hẻm núi Asbyrgi, Iceland
Hai trận lũ từ kỷ băng hà đã hình thành nên hẻm núi này từ 3.000 đến 10.000 năm trước. Khi du khách đứng trên đỉnh vách đá, ngắm nhìn hẻm núi hình móng ngựa trải rộng trước mắt thì đây là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Hồ Retba, Sénégal
Vùng nước này có màu hồng đậm vô cùng kỳ ảo. Màu sắc này có được là bởi một loại tảo đặc biệt gọi là Dunaliella salina tạo ra sắc tố. Hồ có hàm lượng muối cực kỳ cao, đạt tới 40% ở một số nơi khiến cho tảo phát triển mạnh.
Sa mạc Trắng (Sahara el Beyda), Ai Cập
Nơi đây có cảnh quan như ở hành tinh khác với những tảng đá trắng có hình dạng và kích thước kỳ lạ mọc lên từ sa mạc. Sự xuất hiện của chúng không phải do một nhà điêu khắc đá nào tạo ra mà là nhờ cơn bão cát mạnh qua thời gian đã tạc nên hình dạng hiện tại.
Tảng đá Moeraki, New Zealand
Những viên đá hình cầu dọc bãi biển Moeraki của New Zealand có đường kính lên tới 2,13m và được so sánh với viên bi của người khổng lồ hay trứng khủng long. Chúng thực ra là những khối trầm tích được nén chặt hình thành dưới mặt đất hơn 50 triệu năm trước. Khi lớp cát bao quanh bị xói mòn, những viên đá tròn này nổi lên trên.
Sông Caño Cristales, Colombia
Caño Cristales còn có tên gọi là "Dòng sông năm màu", "Cầu vồng lỏng" và được mệnh danh là dòng sông đẹp nhất thế giới. Nếu bạn đến đây vào đúng thời điểm mực nước đạt đến mức hoàn hảo (thường là từ tháng 7 đến tháng 12), dòng sông sẽ trở thành một chiếc kính vạn hoa với các màu hồng, xanh lá cây, xanh dương và vàng bởi một loài thực vật có tên là Macarenia clavigera sống ở đáy sông. Khi nhận được ánh nắng mặt trời, nó nở rộ với nhiều màu sắc.
Thác máu, Nam Cực
Khi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra những thác nước này ở thung lũng khô McMurdo vào năm 1911, họ cho rằng tảo tạo màu cho nước có màu đỏ sẫm phun ra từ một vết nứt trên sông băng. Nhưng hóa ra màu sắc này xuất phát từ hàm lượng sắt cao trong nguồn của thác là một hồ nước chôn sâu gần 400m dưới lớp băng.
Giant's Causeway, Vương quốc Anh
Là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Bắc Ireland, Giant's Causeway có 40.000 cột đá bazan lồng vào nhau tạo thành những lối đi. Những tảng đá, chủ yếu có hình lục giác, được hình thành cách đây 60 triệu năm, khi dòng dung nham dưới lòng đất nguội đi thành những khối đá cao tới gần 12m và đường kính khoảng 45cm.
Tháp băng trên núi Erebus, Nam Cực
Những tháp băng này nằm trên sườn núi đóng băng Erebus, phía trên ngọn núi lửa đang hoạt động rất mạnh. Khi khí quá nóng bốc lên qua các lỗ thông hơi sẽ tạo thành các hang động trong băng và tháp ống khói này có thể đạt tới độ cao hơn 18m.
Đá cẩm thạch quỷ, Úc
Khu bảo tồn Devils Marbles là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Lãnh thổ phía Bắc Úc. Hầu hết các bức ảnh chỉ tập trung vào hai trong số những tảng đá, nhưng thực tế còn có rất nhiều tảng đá granite màu rỉ sét có từ thời tiền sử - một số trong đó có thể có đường kính lên tới hơn 6m nằm rải rác trên diện tích 17.800m2.
Vỉa hè lát đá tại Eaglehawk Neck, Tasmania
Đường bờ biển của Bán đảo Tasman không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới nhờ hiệu ứng xói mòn hiếm gặp được đặt tên theo kỹ thuật khảm La Mã vô cùng ấn tượng.
Hố sụt Sarisariñama, Venezuela
Trên ngọn núi Cerro Sarisariñama ở phía tây nam Venezuela, trọng lực đã khoét 4 lỗ tròn hoàn hảo sâu khoảng 300m vào khung cảnh rừng nhiệt đới xa xôi. Khu vực này cách xa nền văn minh đến mức các hố sụt không được phát hiện cho đến tận năm 1961, khi một phi công bay qua đỉnh núi.
Sông ngầm Puerto Princesa, Philippines
Sông ngầm Puerto Princesa dài 8km trên đảo Palawan là sông ngầm có thể điều hướng được dài nhất thế giới. Nó chảy vào Biển Đông thông qua một hang động dài khoảng 40km có rất nhiều nhũ đá và măng đá. Công viên xung quanh là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cũng ấn tượng không kém và là nơi sinh sống của hơn 800 loài thực vật, 165 loài chim, 30 loài động vật có vú, 19 loài bò sát và 9 loài dơi khác nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận