menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phong

Chiếc 'bánh vẽ' mang danh nghĩa thưởng Tết?

Một công ty trả lương 20 triệu có thưởng Tết và công ty trả lương 40 triệu mỗi tháng, bạn chọn bên nào?

"Thưởng Tết đang là cái bánh vẽ để chủ doanh nghiệp đưa ra nhử nhân viên khi ký hợp đồng. Vì thực chất, nó được tính như thu nhập của nhân viên nhưng nhiều hay ít thì tùy điều kiện, tuỳ tâm của chủ doanh nghiệp.

Đừng coi thưởng Tết là lương kinh doanh hay bonus incentive vì nếu là lương kinh doanh (incentive) thì tiêu chí phải rõ ràng từ đầu để nhân viên có thể tự tính được gần đúng số tiền mà mình sẽ nhận được, dựa vào doanh số/chất lượng công việc mình đã thực hiện.

Trong điều kiện công bằng và minh bạch giữa chủ doanh nghiệp và nhân viên, người ta sẽ không cần có cái gọi là thưởng Tết vì Thu nhập của một người sẽ được chia ra thành tiền lương cứng hàng tháng và lương kinh doanh mà anh ta có thể tự tính toán được dựa trên tiêu chí thống nhất giữa hai bên từ đầu".

Bạn đọc có nickname haminhduc00 phân tích như trên sau ý kiến cho rằng người lao động 'nên bỏ tư duy thưởng Tết'.

Đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết, độc giả Nguyễn Chí Thanh chỉ ra ba mối lợi của người lao động: "Rõ ràng ý kiến của người viết có lợi cho người lao động hơn, vậy mà nhiều người phản đối:

Thứ nhất, thu nhập cả năm vẫn giữ nguyên (xấp xỉ đã bao gồm cả thưởng Tết) chia ra cho từng tháng và tháng lương 13, người lao động sẽ biết số tiền cụ thể hơn và có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.

Thứ hai, nếu nhảy việc, người lao động đỡ thiệt thòi hơn vì không mất trắng tiền thưởng tết mà chỉ mất tháng lương 13.

Thứ ba, hiện tại một số người lao động chịu thuế thu nhập cá nhân khá nặng sau khi lĩnh thưởng Tết (lương tháng cộng với thưởng Tết thì thường qua mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân) chia nhỏ ra như ý người viết thì sẽ chịu mức thuế thấp hơn nhiều".

Độc giả Long Tran phân tích thêm: "Doanh nghiệp thưởng Tết thực ra là có lợi cho họ vì suy cho cùng thì họ đang giảm tiền công để đến cuối năm mới trả cho người lao động thông qua danh nghĩa 'thưởng Tết'. Ngoài ra, đến cuối năm mới tổng kết doanh thu, lợi nhuận thì mới biết thực lãi bao nhiêu rồi mới ngồi xuống chia miếng bánh ấy, và dĩ nhiên, chủ doanh nghiệp phần nhiều nhất.

Nếu như bạn làm sales, trực tiếp mang về khách hàng và lợi nhuận thì tính lương thưởng khá dễ dàng nhưng nếu bạn làm ở bộ phận gián tiếp thì sẽ khó nhận biết hơn.

Với người lao động gián tiếp thay vì công ty trả cho bạn 10 triệu đồng một tháng, tức 120 triệu đồng một năm thì họ chỉ trả 8 triệu đồng một tháng, phần 2 triệu đồng còn lại là để 'thưởng'. Như vậy vừa giảm chi phí hàng tháng, giảm thuế phải đóng và vẫn có tiền để 'thưởng'.

Với lao động trực tiếp: tổng thu nhập (lương + thưởng) sẽ phụ thuộc vào lợi nhuận (trước thuế) người đó mang lại, lương cao thì thưởng thấp và ngược lại. Đa số sẽ lương thấp thưởng cao vì khi đó doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí và rủi ro".

Độc giả h vv đánh giá: "Thưởng Tết, team building, du lịch, sinh nhật.... là cách lấy lòng nhân viên hiệu quả nhất. Giả sử công ty A lương tháng 20 triệu đồng, có thưởng Tết, team building, du lịch, quà sinh nhật... thì nhân viên khen lấy khen để. Công ty B lương tháng 40 triệu, không thưởng gì cả thì bị nhân viên chê ra mặt. Những gì tôi thấy là như vậy".

Trong khi đó, độc giả Tran Duc Thang cho rằng để minh định rõ ràng vấn đề tiền thưởng Tết, cần phải xem xét hai góc nhìn:

"Góc nhìn thứ nhất, từ góc độ người lao động (xin gọi là tầng lớp vi mô) thì việc mong muốn có thưởng Tết, thưởng nhiều, so sánh mức thưởng với công ty khác, muốn nghỉ việc nhưng chờ qua Tết lĩnh thưởng xong mới nghỉ... là điều đương nhiên. Đây gọi là góc độ nhìn nhận chiếm đại đa số và hoàn toàn không phải vấn đề đáng lên án hay phê phán.

Góc nhìn thứ hai, từ hệ thống xã hội, luật định... đến các nhà quản lý doanh nghiệp. Mức lương cơ bản tối thiểu hàng tháng đã hợp lý thì các doanh nghiệp có căn cứ để quyết định mức lương, thưởng. Tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp đương nhiên là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến mức lương, thưởng.

Tuy nhiên, những vấn đề này là vấn đề của tầng lớp vĩ mô. Vì vậy trách nhiệm của tầng lớp vĩ mô là giải quyết, đưa ra hành động hợp lý chứ không phải là phê phán, lên án tầng lớp vi mô".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại