'Chia tay' Huawei, Mỹ cũng rất cần thời gian
Khi mối quan hệ “cộng sinh” với Huawei kéo dài quá lâu, các công ty Mỹ cần thời gian để thích ứng sau cú sốc và phải chờ thời điểm chín muồi nếu muốn “đường ai nấy đi”.
Khi Chính phủ Mỹ tung "cú đấm" trời giáng vào Huawei với lệnh cấm mua linh kiện từ các công ty Mỹ hồi giữa tháng 5, nước Mỹ dường như chia thành hai phe: một bên, điển hình là cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon, hả hê hoan nghênh lệnh cấm này và một bên, điển hình là Google, bày tỏ lo ngại về các hậu quả.
Giờ đây, khi nói về Huawei trong cách tiếp cận của Mỹ, một lối suy nghĩ kết hợp đang nhận được sự chú ý: vừa lo ngại hậu quả nhưng cũng vừa không muốn buông tha cho tập đoàn dính nhiều tiếng xấu này.
Chờ thời cơ chín muồi
Ngày 10-6, báo Wall Street Journal tiết lộ trong một bức thư gửi lên Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và 9 nghị sĩ Mỹ, quyền giám đốc Văn phòng ngân sách và quản lý Nhà Trắng Russell T. Vought đã kêu gọi hoãn một số hạn chế nhắm vào Huawei được đưa ra theo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA).
Được ông Trump ký vào năm 2018, luật chính sách quốc phòng này cấm các cơ quan liên bang Mỹ và những cơ quan nhận trợ cấp hay vay mượn liên bang làm ăn với các công ty Trung Quốc, hoặc những nhà thầu có sử dụng đáng kể sản phẩm của các công ty này.
Lá thư lập luận rằng NDAA có thể dẫn tới sự "suy giảm đáng kể" trong số lượng công ty cung cấp sản phẩm cho Chính phủ Mỹ, và sẽ ảnh hưởng những công ty Mỹ ở các khu vực nông thôn - nơi các sản phẩm Huawei vẫn còn phổ biến - vốn phụ thuộc vào trợ cấp liên bang.
Theo ông Vought, thay vì thời gian 2 năm (tức còn 1 năm nữa kể từ ngày ký), việc thực thi NDAA nên diễn ra sau 4 năm. Tuy nhiên, vị quan chức này không muốn Mỹ hoãn quá lâu hoặc ngừng hẳn lệnh cấm.
Lý do trì hoãn là "để đảm bảo việc thực thi lệnh cấm được hiệu quả mà không gây hại đến các mục tiêu an ninh". Đồng thời, Washington sẽ có thêm thời gian xem xét về các tác động cũng như đưa ra giải pháp khả thi. Lá thư này có thể không ảnh hưởng tới lệnh cấm nhằm vào Huawei mới đây, nhưng lời kêu gọi từ một quan chức cấp cao bên trong chính quyền ông Trump rõ ràng cho thấy Washington không thể "đoạn tuyệt" ngay với Huawei.
Việc Chính phủ Mỹ hôm 21-5 tạm thời nới lỏng lệnh cấm Huawei trong 3 tháng để các khách hàng Huawei có thời gian sắp xếp cũng cho thấy Washington chưa thể cấm ngay Huawei. Tuy nhiên, màn kịch kế tiếp ra sao vẫn chưa rõ.
Lối đi chung nào cho hai bên?
Một mặt xem Huawei là mối đe dọa an ninh, Chính phủ Mỹ được giới quan sát phỏng đoán đang sử dụng Huawei làm con bài mặc cả trong thương chiến với Trung Quốc. Mới đây, dù khẳng định Huawei "tách rời" vấn đề thương mại, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vẫn nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ nới lỏng các hạn chế với Huawei nếu có tiến bộ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Ông Paul Triolo, người đứng đầu mảng chính sách công nghệ tại Hãng tư vấn Eurasia Group ở Mỹ, nhận định hiện các tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung có liên quan tới những tiến triển trong lệnh cấm Huawei. Tuy nhiên, vấn đề Huawei không thể được giải quyết thông qua những kênh thương mại chính thức.
Do đó, một cuộc đàm phán riêng biệt về Huawei giữa quan chức cấp cao hai bên có thể là cách duy nhất để "giải cứu" gã khổng lồ công nghệ này. "Huawei sẽ phải gửi một đội đại diện tới Washington để thừa nhận tội lỗi và đàm phán một "thỏa thuận bẽ mặt" với nhà chức trách Mỹ" - ông Triolo đề xuất. Tuy nhiên, đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hay Huawei đang xem xét lựa chọn này.
Một số nguồn thạo tin cho biết tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã mời đại diện các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Dell của Mỹ, ARM của Anh cũng như Samsung của Hàn Quốc đến để cảnh báo các "đại gia" công nghệ này có thể đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu hợp tác với lệnh cấm của chính quyền ông Trump, theo báo New York Times. Cuộc gặp càng cho thấy "sự sống còn" của Huawei vô cùng quan trọng với Trung Quốc và nỗi sợ của Bắc Kinh về việc Washington đánh mạnh vào điểm yếu chí tử này.
"Những người ở Bắc Kinh ngày càng cảm nhận Chính phủ Mỹ có ý định kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc. Nếu quá trình này không bị ngăn lại hoặc làm chậm đi, tương lai của toàn nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc sẽ lâm nguy" - ông Triolo nhận định.
Huawei tự lực cánh sinh
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu mới đây tiết lộ Huawei đang thử nghiệm hai phiên bản hệ điều hành (OS): một dành cho thị trường Trung Quốc có tên "HongMeng OS" và một dành cho thị trường quốc tế có tên "Oak OS". Trước đó, các thông tin rò rỉ cho biết phiên bản quốc tế hệ điều hành di động của Huawei là "ArkOS".
Giấy phép tạm thời để Huawei sử dụng hệ điều hành Android của Google sẽ hết hạn cuối tháng 8. Sau đó, Huawei mất quyền tiếp cận các bản cập nhật bảo mật chính thức cũng như cửa hàng Google Play Store, và sẽ phải truy cập Android thông qua bản mã nguồn mở AOSP.
Tuy nhiên, Google đã cảnh báo việc Huawei tùy biến phiên bản Android riêng sẽ khiến smartphone của người dùng dễ bị tấn công bảo mật, từ đó đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận