Chỉ vì một thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp đang khoẻ lăn đùng ra "ốm"
Hiện trạng thực thi pháp luật hiện nay đang tạo ra rủi ro rất lớn, là một trong các rào cản hạn chế khu vực kinh tế tư nhân không dám lớn. DN đang hoạt động bình thường có thể ngay lập tức rơi vào tình thế khó khăn khi một thông tư hướng dẫn thay đổi mức nộp thuế, thời hạn nộp thuế.
Rất nhiều trường hợp, cùng một nội dung của Luật, nhưng cách giải thích và áp dụng vào tháng sau khác tháng trước, ở địa phương này khác với địa phương khác, Bộ này khác Bộ khác..., nhưng doanh nghiệp (DN) không thể yêu cầu Tòa án hủy bỏ hay thay đổi thông tư không phù hợp với Luật liên quan.
Thực tế, DN phải thực hiện thông tư của các Bộ hơn là luật do Quốc hội ban hành. Trong thi hành công vụ, không ít công chức đã tùy nghi giải thích và áp dụng, thậm chí lợi dụng quyền hạn được giao để tư lợi. Thực thi pháp luật như vậy là rào cản hạn chế kinh tế tư nhân phát triển.
Tôi cho rằng họ không muốn lớn hay sợ lớn là do rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường. Thêm vào đó, chúng ta chưa có định chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, cũng như tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước. DN đang hoạt động bình thường có thể ngay lập tức rơi vào tình thế khó khăn khi một thông tư hướng dẫn thay đổi mức nộp thuế, thời hạn nộp thuế... Hay một đoàn thanh tra ra kết luận cho là doanh nghiệp không tuân thủ, hay vi phạm pháp luật theo cách hiểu của thanh tra viên... DN thiệt hại nhưng họ lại không có công cụ hữu hiệu để bảo vệ tài sản và lợi ích của mình.
Bên cạnh đó, có DN muốn lớn nhưng không lớn được. Do họ không được quyền tiếp cận trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng các nguồn lực xã hội, như đất đai, tiền vốn… để phát triển.
Đầu năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: “Luật Doanh nghiệp đã thổi một làn gió mới vào môi trường kinh doanh Việt Nam”. Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp đã bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân theo nguyên tắc được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm; số ngành nghề hạn chế và cấm kinh doanh ngày càng thu hẹp dần.
Theo tôi, đồng thời với tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp hướng đến bảo đảm an toàn, giảm rủi ro và chi phí cho DN trong kinh doanh.
Nhiều DN quan tâm đến việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh rắc rối, phức tạp, nhưng việc này dường như đã thất bại?
Nói thất bại có lẽ hơi nặng, chưa phản ảnh hết nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ. Gần 20 năm qua, đã có hai đợt cắt giảm mạnh các quy định về điều kiện kinh doanh. Đợt thứ nhất: 2000 - 2003 và đợt thứ hai là nhiệm kỳ hiện nay. Sau mỗi đợt cắt giảm, môi trường kinh doanh có cải thiện, theo hướng quyền tự do kinh doanh được mở rộng hơn, bình đẳng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, giảm được tình trạng sách nhiễu… Chưa thành công ở chỗ là không đạt được đầy đủ các mục tiêu, và điều quan tâm hơn là “không có gì bảo đảm chắc chắn rằng hàng nghìn điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ sẽ không “quay lại” dưới các hình khác”.
Qua nghiên cứu và theo dõi kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là từ khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã và đang tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tôi cho rằng phải cải cách trong nước một cách mạnh mẽ và nhất quán theo hướng thị trường, thị trường và thị trường hơn; giải quyết triệt để các vấn đề của môi trường kinh doanh thì cơ hội từ các hiệp định thương mại mới đến được với DNTN! Nếu không, mãi mãi chỉ có thách thức, còn cơ hội lại dành cho FDI tại Việt Nam.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận