Chi tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Nhiều bất thường ở Thanh Hóa
Theo tìm hiểu của PV, người dân xã Thiệu Thành (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phát hiện có gia đình là cán bộ, lãnh đạo xã 'lọt'vào danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong quá trình thực hiện chi trả tiền, tỉnh Thanh Hóa “nổi tiếng” cả nước khi địa phương này có hàng ngàn người dân làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Nhưng sự thật có nhiều bất thường xung quanh vấn đề này, cũng như có dấu hiệu trục lợi chính sách.
Người nhà cán bộ “lọt” vào danh sách hộ cận nghèo
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 8 - 10/5, đồng loạt toàn tỉnh thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gồm: người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Theo tìm hiểu của PV, khi người dân xã Thiệu Thành (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) xem bảng danh sách công khai hộ nghèo và cận nghèo được hưởng tiền hỗ trợ đã phát hiện có gia đình là cán bộ, lãnh đạo xã “lọt” vào danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền.
Điển hình như gia đình ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch MTTQ VN xã Thiệu Thành… Vụ việc bị bại lộ, UBND H.Thiệu Hóa tiến hành xác minh, đến ngày 15/5 thì xác định được 12 người không thuộc diện hộ cận nghèo, nhưng có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Trong đó, có 8 người trong gia đình cán bộ xã; 4 người còn lại là người dân.
Lộ “sáp nhập” hộ nghèo để đạt nông thôn mới
Chiều 15/5, khi PV tiếp xúc với nhiều người dân xã Thiệu Thành, còn phát hiện vấn đề nghiêm trọng hơn, khi thôn tiến hành “sáp nhập” các hộ nghèo lại với nhau. Gia đình anh N.V.H (35 tuổi, ngụ tại thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành) có 4 khẩu (gồm vợ chồng anh H. và 2 người con) là hộ nghèo của xã Thiệu Thành. Theo thông báo của địa phương, ngày 14.5, anh H. đến trụ sở UBND xã Thiệu Thành nhận tiền hỗ trợ, nhưng nhận được thông báo trường hợp gia đình anh đang hoãn chi trả, vì “dính” vào việc “sáp nhập” hộ nghèo.
“Tôi quá bất ngờ khi nghe lời giải thích của cán bộ, là gia đình tôi nhập vào hộ nghèo khác, nên đang phải xem xét, rà soát lại. Rõ ràng nhà tôi là hộ nghèo riêng biệt, không hiểu sao lại nhập vào hộ nghèo khác. Đến giờ tôi cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong khi sổ hộ nghèo của gia đình tôi vẫn còn đây”, anh H. bức xúc.
Xác nhận với P.V, một thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng thôn nông thôn mới của thôn Thành Thượng cho biết nguyên cớ là do để hoàn thành các tiêu chí của thôn nông thôn mới, thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm xuống mức 2,5% trở xuống, trong khi hiện thôn đang ở mức hơn 3%.
“Vì muốn đạt được tiêu chí hộ nghèo để thôn được công nhận thôn nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng thôn nông thôn mới của thôn đã họp, và họ làm bằng cách “sáp nhập” hộ nghèo lại với nhau. Thôn đang có 27 hộ nghèo, thì đã sáp nhập lại còn 14 hộ, và đạt chỉ tiêu dưới 2,5% hộ nghèo. Vì thế, gia đình anh H. mới bị nhập vào hộ khác, để giảm số lượng hộ nghèo của thôn”, người này nói.
Ông Đào Hồng Quang, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Thiệu Hóa, xác nhận tình trạng kể trên ở xã Thiệu Thành. “Đối với hộ cận nghèo, thì phát hiện 12 người không đúng đối tượng, trong đó có 8 người là người nhà cán bộ xã. Riêng hộ nghèo thì đúng là có việc ở thôn Thành Thượng sáp nhập các hộ nghèo với nhau. Mục đích là để hoàn thành tiêu chí về đích nông thôn mới, đến khi chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ mới phát hiện ra. Chúng tôi đã yêu cầu xã phải rà soát rồi hộ nào trả về hộ đó và tiến hành trả tiền cho người dân”, ông Quang nói.
Vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ !?
Tại H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa), người dân phản ánh có việc cán bộ thôn đi vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Luyện (48 tuổi, ngụ tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, H.Tĩnh Gia) - là hộ cận nghèo - cho biết ngày 9.5, Trưởng thôn Hạnh Phúc đã đến gia đình bà vận động ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Do không hiểu biết kỹ về các thông tin hỗ trợ tiền của Chính phủ, nên khi được trưởng thôn vận động, bà đã đồng ý ký vào đơn.
“Chồng tôi làm nghề phụ hồ, còn tôi làm thuê nghề hấp cá cho một xưởng chế biến hải sản ở xã. Những tháng qua, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên kinh tế cũng bấp bênh. Hôm bác trưởng thôn đến vận động, cũng vì kém hiểu biết và tin tưởng cán bộ thôn nên tôi ký vào đơn. Chứ thật tình chồng tôi mới là chủ hộ, vợ chồng cũng chưa bàn bạc là có tình nguyện không nhận tiền hay không. Giờ gia đình tôi đề nghị được cấp tiền hỗ trợ theo đúng quy định”, bà Luyện nói.
Tối 15/5, trả lời P.V, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm xảy ra trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu đến từng địa phương và cán bộ, nghiêm cấm việc vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ.
Đối với các vụ việc mới phát sinh ở H.Tĩnh Gia và H.Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH phối hợp cùng với các huyện kiểm tra ngay để làm rõ sai phạm. “Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm nếu có cán bộ vi phạm và không thể để quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng được”, ông Xứng nói.
Ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc, thừa nhận đã tự soạn mẫu đơn “tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ” và thông báo vận động người dân trên loa truyền thanh của thôn. Kết quả, trong 76 hộ cận nghèo của thôn Hạnh Phúc, ông Ngân đã vận động được 21 hộ ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền. “Tôi có vận động người dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ. Tôi đi vận động chứ không ép buộc dân. Và vận động là cho nhà nước chứ không phải cho xã hay tư túi gì cả”, ông Ngân nói.
Ngày 15/5, lãnh đạo UBND xã Hải Ninh (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã trực tiếp yêu cầu ông Lê Công Ngân đến từng hộ gia đình đã vận động trước đó để xin lỗi người dân vì đã vận động người dân không đúng quy định.
Cũng trong ngày 15/5, khi tiến hành rà soát lại ý kiến 21 hộ (đã được vận động ký đơn trước đó), thì có 7 hộ tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, các hộ còn lại đề nghị được nhận tiền hỗ trợ theo quy định.
Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa thì cho hay, các đoàn công tác của sở này ngoài nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch cũng đang tiến hành kiểm tra việc chi trả tiền hỗ trợ người dân có được thực hiện đúng quy định hay không. Đối với thời hạn chi trả tiền hỗ trợ, theo kế hoạch đến hết ngày 10/5, nhưng do nảy sinh nhiều vụ việc cần được rà soát lại, nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý gia hạn đến hết ngày 15/5. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành việc chi trả.
Liên quan những “bất thường” trong chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngày 15/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát để chính sách hỗ trợ cho người dân được chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, không để xảy ra việc chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định của pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng vi phạm, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận