Chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai, xử lý thế nào
Theo các luật sư, việc chi sai ngân sách hỗ trợ khó khăn vì Covid-19 do lỗi của chính quyền và cả người dân, việc thu hồi cần tinh thần tự nguyện, thấu tình đạt lý.
Bình Dương chi sai hàng chục tỷ đồng cho gần 23.000 trường hợp không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn do Covid-19. Tương tự, hai hôm trước, một số quận huyện tại TP HCM cũng xác nhận đã chi sai tiền hỗ trợ đợt 3 cho hàng nghìn người. Nguyên nhân được cho là một số người dân "khai thông tin gian dối để trục lợi" và các cá nhân được giao nhiệm vụ chi tiền đã không nắm rõ quy định về điều kiện được hưởng, quy trình xem xét giải quyết chưa chặt chẽ.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM), việc giải ngân "nhầm" tiền hỗ trợ do lỗi của chính quyền và cả người dân. Điều kiện được nhận gói hỗ trợ đợt 3 cho những người thực sự gặp khó khăn trên địa bàn TP HCM được quy định rõ tại Điều 2 Nghị quyết số 97 của HĐND ngày 22/9.
Nguyên tắc hỗ trợ là: chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; trừ những đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Việc này được thực hiện công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Căn cứ vào quy định này, về phía người dân không thuộc tiêu chí được hưởng, không thực sự khó khăn nhưng đã nhận hỗ trợ nên liên hệ với tổ dân phố, chính quyền địa phương để trả lại. Đối với những trường hợp cố tình không nộp lại thì cơ quan chức năng nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về các biện pháp cưỡng chế để thu hồi ngân sách.
Những trường hợp cố tình khai báo gian dối để nhận hỗ trợ nhiều lần và nếu có căn cứ cho thấy có dấu hiệu trục lợi mà không trả lại thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết không quy định về chế tài cho những người lợi dụng chính sách để trục lợi. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định chung, người nào có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền hỗ trợ từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Nêu quan điểm về việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, những người dân trong vùng dịch ít nhiều đều bị ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân của Chính phủ và chính quyền thành phố mang tính nhân văn. Do đó, trong trường hợp người dân không đủ tiêu chí nhận hỗ trợ nhưng thực sự khó khăn, không có khả năng trả lại tiền có thể làm đơn trình bày nguyện vọng để chính quyền địa phương xem xét giải quyết.
"Thực tế có những người tại thời điểm chi hỗ trợ đang được hưởng bảo hiểm xã hội. Nhưng sau đó do ảnh hưởng kéo dài của dịch họ bị thất nghiệp vì công ty chưa thể hoạt động trở lại, thu nhập bị mất. Vì vậy, việc chính quyền địa phương nếu có truy thu cũng cần xem xét đến điều kiện thực thế của người dân", ông Tuấn nói.
Nếu lỗi thuộc về cán bộ phụ trách, quy trình xem xét giải quyết chưa chặt chẽ, thì quá trình thu hồi cần vận động, giải thích rõ để người dân hiểu và đồng tình trả lại.
Nếu các cán bộ, cá nhân tham gia chi trả có hành vi sơ suất, lơ là trong việc rà soát hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, đánh giá thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xử lý theo nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc...
Trường hợp không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao theo quy định mà gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, trách nhiệm trong việc chi sai tiền hỗ trợ trước hết thuộc về chính quyền địa phương và các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện. Do không nắm rõ quy định, việc triển khai không chặt chẽ... dẫn tới người không thuộc tiêu chí lại được nhận tiền, trong khi nhiều người rất khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ.
"Đối với những người dân không đủ tiêu chí nhưng đã nhận, nếu thực sự khó khăn, địa phương không nên truy thu mà đề xuất chính phủ, lãnh đạo địa phương thêm gói hỗ trợ", ông Tuấn nêu ý kiến.
Cùng với việc khắc phục hậu quả, thu hồi tiền chi sai, các luật sư cho rằng, chính quyền cần rà soát lại các trường hợp thật sự khó khăn nhưng chưa nhận được hỗ trợ tại địa phương để giải quyết kịp thời, tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận