Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 5,5% so cùng kỳ năm trước
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 ước tính giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11,8% so với tháng trước. Nguyên nhân của sụt giảm IPP trong tháng qua, theo GSO, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Chi tiết về đà suy giảm, báo cáo của GSO cho biết, ngành khai khoáng giảm 12,9% (khai thác dầu thô giảm 10,7%; khai thác than giảm 18,4%); chế biến, chế tạo giảm 4,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,5%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, chỉ một số ngành có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như khai thác quặng kim loại tăng 34,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 30,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 11,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,1%.
Ngoài ra, trong tháng 1, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc tăng 23,5%; điện thoại di động tăng 10,4% (điện thoại thông minh giảm 5,4%); phân u rê tăng 4,4%; sữa tươi tăng 3,7%; Alumin tăng 2,8%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm mạnh như dầu mỏ thô khai thác và giày dép da cùng giảm 10,7%; phân hỗn hợp NPK giảm 11,5%; quần áo mặc thường giảm 12,1%; thức ăn gia súc giảm 12,5%; tivi giảm 14%; sắt thép thô giảm 15,1%; sữa bột giảm 18,4%; than sạch giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 18,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 21,2%; xe máy giảm 22%; đường kính giảm 30,4%; ô tô giảm 38%.
Báo cáo của GSO cũng cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2020 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Đáng chú ý, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,5%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận