Chỉ số POBI: Cải thiện tích cực
Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2018 vừa chính thức được công bố với nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Vũ Sỹ Cường – đại diện Nhóm nghiên cứu Liên minh Minh bạc
Là người phụ trách báo cáo của Nhóm nghiên cứu Liên minh Minh bạch ngân sách, ông có thể chia sẻ khái quát về những kết quả đã đạt được?
Khảo sát POBI lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam vào năm 2017 và tiếp tục được phát triển trong năm 2018. Đây là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015.
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường – đại diện Nhóm nghiên cứu Liên minh Minh bạch ngân sách
POBI 2018 bao gồm hai trụ cột: Minh bạch, công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Điểm xếp hạng minh bạch, công khai ngân sách được đánh giá với 65 câu hỏi, 9 loại tài liệu, trong đó, 7 tài liệu được quy định bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN 2015. Đồng thời, khảo sát cũng đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện của các tài liệu về ngân sách địa phương.
Kết quả, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2018 đạt 51/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn nhiều so với năm 2017 (30,5 điểm). Điều này cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh, thành phố năm 2018 đã được cải thiện hơn so với năm 2017.
Tín hiệu đáng khích lệ, năm 2018 đã có 6 tỉnh lọt vào nhóm A - nhóm công khai đầy đủ (năm 2017 không có tỉnh nào), bao gồm: Vĩnh Long (90,52 điểm), Bà Rịa – Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm), Quảng Nam (76,68 điểm) và Hậu Giang (76,66 điểm). Tuy nhiên, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ có số điểm tương ứng là 49,72 và 48,98. Đặc biệt, Hải Phòng ở ngưỡng thấp nhất với 5,14 điểm.
Đáng chú ý, trong chia sẻ của ông, một số thành phố lớn, trực thuộc trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, mức độ công bố ngân sách lại thấp. Phải chăng, đây là nghịch lý tỉnh càng lớn, càng sử dụng nhiều ngân sách thì có mức độ công khai thấp?
Việc xếp hạng POBI được đánh giá trên nhiều chỉ số khác nhau và công khai theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 343/2016/TT-BTC. Còn vì sao các tỉnh, thành phố lớn mà POBI thấp bởi nhiều lý do, có thể do họ không công khai hay có công khai nhưng không đầy đủ. Ví dụ như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh họ có công khai nhưng không đầy đủ các tài liệu, cũng như công bố không đúng theo thời hạn quy định hoặc cũng có thể công khai thiếu các tài liệu.
Được biết, điểm mới so với POBI 2017 là POBI 2018 có xếp hạng về sự tham gia của người dân. Ông nhận thấy, sự tham gia của người dân ở mức độ nào?
Đúng là lần đầu tiên, khảo sát POBI đưa tiêu chí về sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách địa phương để khảo sát. Các nội dung đánh giá bao gồm, việc Sở Tài chính các tỉnh có phương thức giao tiếp, trao đổi với người dân trên Cổng thông tin điện tử về vấn đề ngân sách, bao gồm việc phản hồi lại các ý kiến đóng góp của người dân.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát về vấn đề này tôi chưa thấy hài lòng. Nhìn chung, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai, minh bạch ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 34,6 điểm. Tỉnh Bắc Ninh đạt số điểm cao nhất là 66,6 điểm. Còn lại, rất nhiều tỉnh mới đạt ở mức 16,6 điểm.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận