24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chỉ số EPS là gì? Cách tính và ý nghĩa của EPS trong đầu tư chứng khoán

Giải thích thuật ngữ: EPS

EPS ( Earning Per Share) là Lợi nhuận sau thuế tính trên mỗi cổ phiếu ở 4 quý gần nhất của doanh nghiệp. Nói EPS năm 2018 tức là lợi nhuận sau thuế tính trên một cổ phiếu của năm 2018;

EPS = Tổng lợi nhuận sau thuế 4 quý liên tiếp chia cho Tổng số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp đang lưu hành. Ví dụ: Cổ phiếu Vinamilk (VNM) 4 quý gần nhất tổng lãi 10.028 tỷ đồng và số cổ phiếu đang lưu hành là 1,45 tỷ cổ phiếu. Vậy EPS của VNM sẽ là:

EPS (VNM) = 10.028 tỷ đồng/ 1,451 tỷ cổ phiếu = 6.910 (đồng)

Cổ phiếu có EPS càng cao càng hấp dẫn. Tuy nhiên trên thực tế nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm bị "đánh lừa" bởi một số mã cổ phiếu có chỉ số EPS rất cao, nguyên nhân là chỉ số này chỉ phản ánh kết quả kinh doanh trong thời gian 4 quý gần nhất, do đó các "đội lái" và ban lãnh đạo một số doanh nghiệp có thể bắt tay nhau "làm đẹp" báo cáo tài chính bằng những khoản lợi nhuận đột biến để tạo ra chỉ số EPS hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào mua nhằm mục đích "xả hàng". Sau khi xả xong hàng, những quý sau họ sẽ dùng các thủ thuật BCTC thua lỗ nặng để những khoản lợi nhuận "ảo" đó biến mất nhằm tránh việc phải chia cổ tức. Vì vậy để tránh mắc "bẫy", nhà đầu tư nên xem xét nhiều yếu tố khác như lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ mảng kinh doanh cốt lõi hay từ những khoản thu bất thường? mức lợi nhuận và khả năng chia cổ tức của doanh nghiệp ở những năm trước đó v.v...

Để trở thành một nhà đầu tư thông thái, bạn cần tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số tài chính trong doanh nghiệp. Chúng sẽ giúp bạn đánh giá được tình hình hoạt động cũng như dự đoán sự phát triển của công ty đó trong tương lai. Một trong những chỉ số mà bạn không nên bỏ qua chính là EPS. Đây được coi là công cụ đắc lực trong việc phân tích khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Vậy EPS là gì?- Hãy cùng 24hMoney tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

1. Chỉ số EPS là gì?

EPS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Earning Per Share”, có nghĩa là thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Đây là phần lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông, mà công ty sẽ phân bổ cho một cổ phiếu thông thường đang được lưu hành trên thị trường.

EPS là chỉ số tài chính được sử dụng thường xuyên trong việc phân tích khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, EPS chỉ là một chỉ số để ước lượng, nhà đầu tư không thực chất được phân bổ lượng lãi này. Họ không có quyền truy cập trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Một phần của số lãi này có thể được phân phối dưới dạng cổ tức, nhưng toàn bộ hoặc một phần EPS có thể được công ty giữ lại. Cổ đông, thông qua đại diện của họ trong hội đồng quản trị, có thể thay đổi phần EPS được phân phối thông qua cổ tức để tiếp cận nhiều hơn các khoản lợi nhuận này.

2. Công thức tính chỉ số EPS

Công thức tính chỉ số EPS cơ bản đó là:

EPS = (Thu nhập ròng – cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành

Trong đó:

  • Thu nhập ròng: Là lợi nhuận của một doanh nghiệp sau khi lấy thu nhập trừ đi tất cả các chi phí và thuế. Cụ thể:

Thu nhập ròng = Doanh thu thuần + Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính + Các khoản thu nhập bất thường khác – Giá vốn bán hàng – Chi phí (bao gồm chi phí quản lý doanh nghiệp + chi phí bán hàng + các khoản phí bất thường khác) – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Cổ tức cổ phiếu ưu đãi: Là phần lợi nhuận thu được từ cổ phiếu ưu đãi - thường được ấn định dựa vào một tỷ lệ cố định in trên mệnh giá của cổ phiếu đó.

3. Phân loại chỉ số EPS

Hiện nay, có 2 loại chỉ số EPS là EPS cơ bản và EPS pha loãng

Chỉ số EPS là gì? Cách tính và ý nghĩa của EPS trong đầu tư chứng khoán
Hiện nay có 2 loại chỉ số EPS là EPS cơ bản và EPS pha loãng.

3.1. Chỉ số EPS cơ bản

EPS cơ bản là lợi nhuận cơ bản trên một cổ phiếu phát hành, được tính theo công thức như sau:

EPS cơ bản = (Thu nhập ròng – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/ Số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.

3.2. Chỉ số EPS pha loãng

Khác với chỉ số EPS cơ bản thì EPS pha loãng được tính cụ thể như sau:

EPS pha loãng = (Thu nhập ròng – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/( Số lượng cổ phiếu đang lưu hành + số lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi).

3.3. Mối quan hệ giữa chỉ số EPS cơ bản và EPS pha loãng

Từ hai công thức trên, chúng ta có thể thấy EPS pha loãng có tính đến số lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi. Trong thực tế, chỉ số này thường được dùng khi doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, hoặc cổ phiếu phát hành thêm. Trong tương lai, lượng cổ phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu thường, làm EPS của doanh nghiệp thay đổi (cụ thể là giảm đi).

Như vậy, nếu nhà đầu tư chỉ xem xét đến EPS cơ bản mà bỏ qua việc dự đoán EPS trong tương lai (EPS pha loãng) thì có thể ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư, thậm chí mắc sai lầm nghiêm trọng.

Để cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho nhà đầu tư, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp luôn cần thể hiện cả hai chỉ số trên. Ngược lại, các nhà đầu tư cũng cần dựa trên cả hai thông tin đó để đánh giá tình hình hoạt động của một công ty.

Lưu ý: Trong hầu hết các trường hợp, chỉ số EPS cơ bản thường cao hơn EPS pha loãng. Hai chỉ số này bằng nhau nếu doanh nghiệp không có cổ phiếu chuyển đổi.

4. Ý nghĩa của chỉ số EPS là gì?

EPS là một chỉ số tài chính vô cùng quan trọng:

  • Phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về khả năng sinh lời của cổ phiếu.
  • Giúp nhà đầu tư đối chiếu kết quả hoạt động của các doanh nghiệp với nhau, từ đó so sánh các loại cổ phiếu và ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất.
  • Dùng để tính các chỉ số tài chính quan trọng khác như: P/E, ROE (Bạn có thể đọc bài viết của 24hMoney về hai chỉ số này để hiểu rõ hơn).

5. Sử dụng chỉ số EPS trong đầu tư

Trên thực tế, chỉ số EPS được ứng dụng để xác định P/E trong hoạt động định giá cổ phiếu và đánh giá chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Chỉ số EPS là gì? Cách tính và ý nghĩa của EPS trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số EPS có ý nghĩa đặc biệt trong đầu tư
  • Ứng dụng chỉ số EPS trong hoạt động định giá cổ phiếu

Chỉ số EPS chính là một thành phần tạo nên chỉ số định giá P/E.

Dành cho những bạn chưa rõ thì chỉ số P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Nó thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để nhận được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó.

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu/Thu nhập trên một cổ phiếu

Ví dụ: Giá thị trường tại thời điểm 31/12/2020 của cổ phiếu A là 20.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của doanh nghiệp A là 2.000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu A được tính là 10. Điều này có nghĩa là, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả 10 đồng để nhận được 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu A.

Như vậy, nhà đầu tư sẽ biết được mức định giá mà thị trường sẵn sàng trả cho cổ phiếu bằng cách chia giá một cổ phần cho EPS của chính nó. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể so sánh P/E của doanh nghiệp qua từng thời kỳ hoặc đối chiếu với các công ty tương đồng khác. Từ đó, đưa ra nhận định tương đối rằng giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình định đầu tư là đắt hay rẻ.

  • Ứng dụng chỉ số EPS để đánh giá chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp qua các thời kỳ

Bạn có thể đánh giá chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp qua các thời kỳ bằng cách tính ra tỷ lệ phát triển thu nhập trên cổ phiếu. Công thức cụ thể như sau:

EPS Growth Rate % = (EPS1 – EPS0)/EPS0

Trong đó: EPS Growth Rate là phần trăm phát triển thu nhập trên cổ phiếu, được dùng để nhận xét thị giá của doanh nghiệp trên TTCK.

Tỷ lệ này càng cao thì doanh nghiệp càng được đánh giá cao và ngược lại. Những doanh nghiệp có mức phát triển thu nhập trên cổ phiếu duy trì ổn định ở mức cao sẽ được các nhà đầu tư chú ý hơn.

Áp dụng với thực tế TTCK hiện nay, doanh nghiệp được đánh giá kinh doanh tốt khi có EPS1,500. Tuy nhiên, con số này cũng phải được duy trì ổn định trong nhiều năm và có xu hướng tăng.

Ví dụ: Cả 3 doanh nghiệp A, B, C đều niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE với cùng mệnh giá 10.000 VND. Trong đó, doanh nghiệp A có EPS là 800, B có EPS là 1,000, C có EPS là 1,500 và có xu hướng tăng trong tương lai. Như vậy, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ đánh giá doanh nghiệp C tốt hơn.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng: Các doanh nghiệp có thể lợi dụng kỹ thuật tính toán nhằm tăng chỉ số EPS sao cho hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, bạn cũng cần tìm hiểu cách tính EPS của từng công ty cũng như dựa vào nhiều thước đo tài chính khác để có đánh giá tổng quan, chính xác nhất về doanh nghiệp mình định đầu tư nhé.

6. Hạn chế của chỉ số EPS

Chỉ số EPS là gì? Cách tính và ý nghĩa của EPS trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số EPS cũng có những nhược điểm nhất định mà các nhà đầu tư cần lưu ý

Mặc dù EPS có ý nghĩa và ứng dụng đặc biệt, là trợ thủ đắc lực cho nhà đầu tư để ra quyết định đầu tư nhưng nó cũng tồn tại những hạn chế như sau:

  • Chỉ số EPS có thể âm: Nếu trường hợp này xảy ra thì hệ số P/E sẽ không có bất kỳ ý nghĩa kinh tế nào cho quyết định đầu tư của bạn. Khi đó, bạn phải sử dụng đến những chỉ số tài chính khác để đánh giá doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận của các công ty rất dễ bị biến động trên TTCK, đặc biệt sẽ đột biến khi doanh nghiệp bán tài sản,...Khi đó, chỉ số EPS sẽ bị bóp méo, khiến bạn không có nhận định chính xác về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
  • Các công ty thường xuyên phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi,...làm cho EPS giảm, các nhà đầu tư gặp rủi ro.
  • Doanh nghiệp có thể sử dụng các thủ thuật kế toán khác nhau để phục vụ mục đích đặc biệt, dẫn tới thay đổi EPS. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về chỉ số EPS trên báo cáo tài chính của công ty.

7. Kết luận

Trên đây, 24hMoney đã gửi tới bạn những thông tin đầy đủ, chi tiết nhất về khái niệm, cách tính, ý nghĩa của EPS cũng như việc sử dụng chỉ số tài chính này. Hy vọng bạn đã “bỏ túi” thêm cho mình một công cụ đắc lực trong việc ra quyết định đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, để có những nhận định chính xác nhất, bạn không nên chỉ dựa vào các chỉ số đơn lẻ mà cần kết hợp nhiều số liệu liên quan khác.

Cuối cùng, các bạn đừng quên tải app 24hMoney hoàn toàn miễn phí tại trang web chính thức của chúng tôi để thường xuyên cập nhật những kiến thức bổ ích, mới nhất về tài chính, chứng khoán, bất động sản...nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả