Chỉ số BCI quý II/2024 giảm nhẹ, EuroCham Việt Nam vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam
Trong khi 68% số người được hỏi cho biết điều kiện hiện tại ở mức trung bình đến tích cực, thì sự thận trọng trong ngắn hạn đã tăng nhẹ.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024, bất chấp mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nửa đầu năm, BCI đã có sự giảm nhẹ từ 52,8 trong quý I xuống 51,3 trong quý II/2024.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng, tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
"Mặc dù cuộc khảo sát của chúng tôi chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng chúng tôi tin rằng, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam", ông Dominik Meichle nói.
Trong báo cáo, EuroCham cũng nêu ra các khó khăn của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đặc biệt là những thách thức pháp lý dai dẳng cản trở tăng trưởng và đầu tư. Các vấn đề chính được xác định bao gồm: Các quy định mơ hồ được giải thích theo nhiều cách khác nhau; Thủ tục hành chính rườm rà; Khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt; Những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; Phê duyệt trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền.
Khảo sát từ EuroCham cho thấy, vẫn còn một số vấn đề nổi cộm là rào cản pháp lý. Ví dụ Giấy phép lao động và thị thực cho người nước ngoài. Mặc dù Nghị định số 70 đã được ban hành vào tháng 9/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài, nhưng chỉ có 3,3% số người được hỏi cho biết có những cải thiện đáng kể. Trong khi một nửa số người được hỏi cho rằng có một số tiến bộ thì một phần tư cho thấy không có thay đổi nào. Tăng cường quá trình này là rất quan trọng để thu hút nhân tài quốc tế và thúc đẩy trao đổi kiến thức.
Ngoài ra, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPD) được triển khai gần đây được thiết kế để bảo vệ thông tin cá nhân, đã vô tình gây ra sự lo lắng trong các doanh nghiệp. Một phần tư số người tham gia khảo sát thừa nhận chưa hiểu đầy đủ các yêu cầu của nghị định và chỉ 1/3 cảm thấy tự tin vào khả năng tuân thủ của mình. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hướng dẫn và hỗ trợ rõ ràng hơn từ các cơ quan chức năng để đảm bảo quá trình chuyển đổi và tuân thủ được diễn ra suôn sẻ.
Trong báo cáo lần này, EuroCham cũng đã đưa ra các khuyến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh, với ba nội dung chính:
Điều kiện kinh doanh hiện tại. Trong khi một số ít công ty báo cáo tình hình kinh tế là “rất tệ” (giảm từ 8% xuống 6%), số công ty mô tả là “không tốt” lại tăng nhẹ (từ 24% lên 26%). Mặc dù vậy, đa số (68%) vẫn duy trì quan điểm từ trung lập đến tích cực về điều kiện kinh doanh của họ, cho thấy cảm giác ổn định chung.
Triển vọng hiện tại: Mặc dù nhận định chung về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2024 là lạc quan một cách thận trọng (45%), các doanh nghiệp tư nhân vẫn do dự về triển vọng của chính họ, với 45% còn lại là trung lập và 23% bày tỏ lo ngại.
Triển vọng dài hạn: Sự bất an ngắn hạn này được cân bằng bởi niềm tin mạnh mẽ trong dài hạn, với gần 70% doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự tự tin này được phản ánh qua tỷ lệ các doanh nghiệp sẽ đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận