Chi phí logictics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu
Chi phí logistics đã lấy đi phần lớn lợi nhuận của nhiều công ty và điều đáng nói, dù giá cước vận tải tăng cao, nhưng có những thời điểm không có cả container để vận chuyển hàng.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, chi phí logistics bắt đầu tăng từ năm 2020. Nhất là, vào thời điểm từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chi phí logictic vẫn tiếp tục “leo thang”, đã và đang tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản nói riêng. Cụ thể, trước đây cước phí vận chuyển là 2.000 USD/container nhưng nay đã tăng lên 9.000 - 10.000 USD/container, gây thiệt hại nặng nề cho nhà cung ứng, các DNXK và nền kinh tế.
Bàn về vấn đề này, Hiệp hội Xuất khẩu Hồ tiêu cũng đưa ra thông tin, ngay từ đầu năm, tình hình logistics đường biển khiến các DNXK rơi vào thế khó khi thiếu container rỗng trầm trọng và giá cước tăng cao gấp 2 - 3 lần. Nhất là từ cuối tháng 3/2021, sự cố kênh đào Suez đã khiến việc thuê container và giá cước tăng nóng trở lại. Chính chi phí logistics tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu ngành hàng này.
Chi phí logistics đã lấy đi phần lớn lợi nhuận của nhiều công ty và điều đáng nói, dù giá cước vận tải tăng cao, nhưng có những thời điểm không có cả container để vận chuyển hàng. Nếu như trước đây có DNXK hồ tiêu mỗi ngày có thể xuất đi 10 - 12 container hàng, thì hiện chỉ còn xuất khẩu được 2 - 3 container. Tình trạng thiếu container rỗng đã kéo dài, dẫn đến lượng hàng xuất khẩu của những doanh nghiệp trong ngành sụt giảm 30% - 40% sản lượng.
Không riêng gì mặt hàng thủy sản, hồ tiêu, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác như đồ gỗ, điện tử, may mặc, da giầy… xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật cũng chịu cảnh tương tự khi chi phí logistics cho đơn hàng tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đó. Chính vì lý do chi phí phát sinh tăng cao ngoài dự kiến, khiến cho nhiều đơn hàng bị ngưng trệ, thậm chí phải đàm phán lại hoặc hủy đơn hàng vì không đạt được thỏa thuận, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giám đốc một DNXK tại TP.HCM cho biết, chi phí logictics tăng quá cao đã tác động tiêu cực rõ ràng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tùy thuộc từng ngành hàng khác nhau, làm giảm lợi nhuận đáng kể. Với những lô hàng giá trị lớn, trong rất nhiều trường hợp, DNXK sẵn sàng trả giá cao để được ưu tiên đi hàng trước. Trong khi đó, một số ngành sản xuất, hàng hóa cồng kềnh, giá trị thấp thường khó mua cước, gây ảnh hưởng tiến độ xuất và giao hàng.
“Trung bình hiện nay, chi phí logistics đang chiếm từ 5% - 10% giá thành sản phẩm của hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chi phí logictics tăng cao đã “ăn mòn” trực tiếp vào lợi nhuận doanh nghiệp. Đó là chưa kể thêm các khoản phí khác sẽ là gánh nặng lớn với DNXK trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - vị Giám đốc chia sẻ thêm.
Hiện tình trạng thiếu container, thời gian vận chuyển dài, giá tăng cao nhưng vẫn không có sự lựa chọn là vấn đề chung của nhiều DNXK. Sau khi một số nước trên thế giới kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do chi phí logistics tăng “chóng mặt”, hàng hóa không xuất được vì không thuê được tàu. Thực tế, giá cước vận tải, logictics tăng đang là bài toán khiến cho nhiều DNXK “đau đầu”. Trong đó, không loại trừ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không chịu nổi áp lực đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
UBND TPHCM đã có tờ trình về việc sửa đổi mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1/7/2021 thành ngày 1/10/2021. Vì lý do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng, đời sống người lao động và người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.
Do đó, việc điều chỉnh thời gian thu phí như trên sẽ tạo sự đồng thuận, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo tính toán, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/7 thì số thu dự kiến trong 3 tháng là 723 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận