Chi ngân sách Hà Nội 2022
Hà Nội có dân số 8,5 triệu người, bằng gần 2 lần dân cả nước những nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, gần bằng dân số Thuỵ Điển. Kế hoạch chi ngân sách của Hà Nội năm 2022 là 106.926 tỷ đồng (~4,6 tỷ $). Ngân sách chính phủ Na Uy năm 2021 là 124 tỷ $ (GDP 355 tỷ $). Đan Mạch có GDP 2021 là 397 tỷ $ và chi ngân sách 179 tỷ $.
So sánh với các quốc gia để thấy chi ngân sách của Hà Nội theo đầu người là rất nhỏ bé, mà Hà Nội là thủ đô còn được ưu tiên so với các địa phương khác. Tất nhiên, Hà Nội không phải chi tiêu quốc phòng như các quốc gia. Tuy nhiên, các nước trên chi quốc phòng chỉ 2% GDP mà tổng chi ngân sách của họ đều trên 30% GDP.
Trong tổng số chi của Hà Nội 2022 thì chi đầu tư phát triển là 51.073 tỷ đồng (47,8%), chi thường xuyên 53.282 tỷ đồng (49,8%). Theo số liệu đầu năm 2020, Hà Nội có 7.635 công chức và 108.902 viên chức. Tính chi thường xuyên trên tổng số CCVC là 38 triệu đồng/người/tháng. Tất nhiên, chi thường xuyên gồm tiền lương và rất nhiều loại chi phí khác để bộ máy hành chính có thể hoạt động.
Trong các khoản mục chi thường xuyên của Hà Nội 2022 thì chi giáo dục 18.005 tỷ đồng và chi y tế 3.533 tỷ đồng. Tính trên số tổng chi ngân sách thì giáo dục chiếm 16,8%, còn y tế chỉ 3,3%. Bình quân cả nước chi giáo dục chiếm khoảng 18% tổng chi ngân sách. Chi thường xuyên cho giáo dục 2021 cả nước là 249,5 nghìn tỷ đồng bằng 14,6% tổng chi ngân sách và bằng 20,8% chi thường xuyên. Trung bình 5 năm 2016-2020, chi thường xuyên cho y tế cả nước ~7% tổng chi thường xuyên.
Tính trên đầu người Thủ đô thì giáo dục là 2,1 triệu đồng còn y tế chỉ 0,42 triệu đồng. Sở Y tế Hà Nội có 42 bệnh viện công lập và 30 trung tâm y tế quận huyện, chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình, chi cục an toàn thực phẩm, trung tâm y tế dự phòng (CDC). Bình quân mỗi bệnh viện, trung tâm y tế phải chăm sóc 120 nghìn dân. Chi cho lĩnh vực y tế của Hà Nội rất thấp, phải chăng Hà Nội có hệ thống bệnh viện trung ương trên địa bàn.
Về đầu tư công, với chi phí làm đường nội đô kể cả giải phóng mặt bằng thì trung bình cũng phải 1.000 tỷ đồng/km. Với chi phí đầu tư công 50 nghìn tỷ đồng/năm và giả sử 20% dành cho đường bộ chẳng hạn thì mỗi năm làm được 10 km đường. Điều đó lý giải tại sao những con đường mở mới ở nội đô là cực kỳ khó khăn. Đoạn đường vành đai 2,5 có vài đời chủ tịch nữa cũng không hoàn thành.
Một năm Hà Nội có bao nhiêu nhu cầu đầu tư ở các quận, huyện đủ các lĩnh vực. Giáo dục, y tế, giao thông là những lĩnh vực tác động lớn nhất đến cuộc sống của người dân và càng ngày càng quá tải khi dân số Hà Nội vừa tăng tự nhiên vừa tăng cơ học. Bệnh viện, trường học có tiền là có thể dễ dàng đầu tư phát triển. Riêng giao thông Hà Nội là vô cùng nan giải khi tư duy quy hoạch đô thị quá tận dụng quỹ đất cho xây dựng mà không dành đủ cho giao thông. Cứ nhìn vào các khu đô thị mới mở, các con đường mới mở thì thấy rõ điều đó.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận