Chi 9 tỷ đồng từ Quỹ Vaccine để hỗ trợ thử nghiệm vaccine Covivac
Thủ tướng quyết định sử dụng 8,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine Covivac.
Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), thuộc Bộ Y tế sản xuất sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ 8,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí này.
Vaccine Covivac được IVAC bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020. Đây là dự án hợp tác với các trường đại học của Mỹ (Mount Sinai, New York; Texas, Austin) và tổ chức PATH. Ba đơn vị sản xuất (gồm IVAC- Việt Nam, GPO- Thái Lan, Butantan - Brazil) cùng nghiên cứu phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH, là một nhánh nằm trong liên minh sáng tạo và phát triển vaccine Covid-19 (CEPI).
Vaccine Covivac là dạng dung dịch chứa Protein S tái tổ hợp của virus SARS-CoV-2 biểu hiện trên bề mặt virus Newcastle, bất hoạt, không có chất bảo quản, nhiệt độ bảo quản từ 2 độ C đến 8 độ C.
Công nghệ của vaccine Covivac là Viral vector, sản xuất trên trứng gà có phôi, tinh khiết đạt 99% và bất hoạt bằng beta propiolactone.
Với thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, vaccine Covivac được đánh giá an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch trên tất cả các liều thử nghiệm.
Ngày 10/8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đã duyệt kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, bắt đầu từ 11/8 và sẽ được triển khai ở huyện Vũ Thư, Thái Bình với cỡ mẫu là 375 người tình nguyện.
IVAC dự kiến thử nghiệm giai đoạn ba vào tháng 11; đến đầu năm 2022 có đầy đủ báo cáo giữa kỳ của cả 3 giai đoạn thử nghiệm; sau đó xin cấp phép khẩn cấp, đưa vào sử dụng.
Covivac là vaccine Covid-19 "made in Vietnam" thứ 2 tại nước ta được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng, sau Nanocovax của Công ty Nanogen.
Ngoài Covivac, Việt Nam còn có hai vaccine đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm giai đoạn ba trên người.
Ngày 7/8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đã nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và giữa giai đoạn hai của Nanocovax, cho thấy bước đầu "vaccine an toàn, có khả năng sinh miễn dịch, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ". Dựa trên kết quả này, hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện thử nghiệm giai đoạn ba. Các giai đoạn thử nghiệm được gối đầu, để đảm bảo sớm hoàn thiện việc nghiên cứu.
Trong tuần này, Hội đồng đạo đức dự kiến tiếp tục nghiệm thu kết quả thử nghiệm giữa giai đoạn ba vaccine Nanocovax.
Vaccine ARCT-154, do Tập đoàn Vingroup thông qua thành viên là Công ty cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare, mua của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ, phát triển trên công nghệ mRNA (vaccine Pfizer và Moderna dùng công nghệ này). ARCT-154 đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một, bắt đầu từ ngày 15/8.
Với ba vaccine nêu trên, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ được vaccine Covid-19, theo thông tin từ Bộ Y tế.
Quỹ Vaccine phòng Covid-19 được Chính phủ thành lập vào tháng 5/2020, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine Covid-19. Đến nay, quỹ đã nhận được tổng số tiền 8.570 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận