Chỉ 25% doanh nghiệp biết đến giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử
Đây là kết quả đáng chú ý được chỉ ra trong Báo cáo khảo sát do nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện và được công bố sáng 28/4/2021.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng” do CIEM tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, được đánh giá là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tăng từ 3 tỷ USD năm 2015 lên 12 tỷ USD năm 2019, với tốc độ tăng trung bình là 38%. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng trong bối cảnh coVID-19, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng tới 16%, quy mô thị trường đạt 14 tỷ USD. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020-2025 là 29%.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, số lượng tranh chấp phát sinh có xu hướng gia tăng. Mặc dù cơ chế xử lý tranh chấp được thiết lập trực tiếp trong các sàn thương mại điện tử, cơ chế này có thể chưa đủ hữu hiệu để xử lý tranh chấp phức tạp giữa các bên.
"Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm gia tăng tranh chấp trong hoạt động thương mại truyền thống, kể cả thương mại qua biên giới, mà khả năng các bên trực tiếp gặp nhau và/hoặc gặp bên thứ ba trở nên hạn chế, thậm chí không khả thi. Giải quyết những tranh chấp càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những thực tế đó đã dẫn đến nhu cầu cấp bách phát triển nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến đủ rộng, đủ hữu hiệu để áp dụng được trong cả môi trường thương mại điện tử và thương mại truyền thống", ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.
Trong khung khổ Chương trình Hỗ trợ thương mại do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ nhằm phát triển thương mại điện tử cho các nước ASEAN, do Công ty DT Global quản lý, CIEM thực hiện Dự án “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng”. Và hoạt động đầu tiên của Dự án là xây dựng Báo cáo nghiên cứu, trong đó tập trung vào xác định các yêu cầu đối với ứng dụng ODR ở Việt Nam cũng như đánh giá khả năng áp dụng DDR cho Việt Nam trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp...
Trình bày báo cáo nghiên cứu này, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, kết quả khảo sát gần 400 DN cho thấy, chỉ có 24,4% doanh nghiệp đã từng có tranh chấp với khách hàng/nhà cung cấp hoặc cả hai. Thương lượng vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất. Lý do doanh nghiệp đưa ra cho việc không sử dụng trọng tài/tòa án là họ cần luật sư chuyên môn hoặc có bộ phận pháp chế nội bộ.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, điều đáng chú ý là chỉ 25% các DN được khảo sát đã từng nghe đến giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT (ODR), trong đó DN chủ yếu biết đến qua truyền thông (53%), mạng xã hội (42%), đào tạo/hội nghị (30%). Trong khi đó, 32,2% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng ODR có thể áp dụng tại Việt Nam. 74% có nhu cầu đào tạo về ODR, và 69% DN đề xuất các khóa đào tạo dưới 3 ngày.
"Dù hệ thống ODR được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho DN, khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng, linh hoạt... nhưng thực tế rất ít DN biết đến. Ngoài ra, mặc dù nền tảng hoà giải thương mại trực tuyến (Medup) đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho ra mắt vào tháng 3/2021nhưng lại chưa được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến và sử dụng", ông Nguyễn Anh Dương nhìn nhận.
Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến TMĐT ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Các hiệp định thương mại tự do mới, kể cả RCEP, cũng có chương riêng về TMĐT.
Với kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến ODR và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn trong cả hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Trong khi đó, các ý kiến tại hội thảo cho rằng cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các chính sách và điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam được coi là điều kiện không thể thiếu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện hạ tầng kinh tế và pháp lý, hạ tầng CNTT và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận