Chỉ 1 doanh nghiệp bất động sản và 7 ngân hàng lọt danh sách Thương hiệu Quốc gia 2020
Một trong những điểm đáng chú ý trong danh sách 124 doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn làm thương hiệu quốc gia (THQG) năm 2020 là chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và 7 ngân hàng được công nhận.
124 doanh nghiệp đạt THQG lần này có nhiều tên tuổi lớn và quen thuộc như: Agribank, BIDV, BRG, Vietnam Airlines, Vinamilk, Viettel, Traphaco, Vietcombank, khoá Việt Tiệp, Viglacera, tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, SJC, TH True Milk, Tân Á Đại Thành, SeABank, OCB Vietinbank, PNJ, Mobifone, MBBank, KIDO, Eurowindow, gốm Chu Đậu, Hoà Bình…
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, trong danh sách 124 doanh nghiệp đạt THQG năm 2020 chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP Tập đoàn Xây Hoà Bình và 7 ngân hàng là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, SeABank, OCB và MBBank.
Với quy mô tài sản, giá trị thương hiệu và ứng dụng khoa học công nghệ thì việc chỉ có 7/32 ngân hàng nằm trong danh sách THQG và thiếu vắng những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam như VinGroup, BRG (trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng bất động sản), T&T, SunGroup, Novaland... là khó hiểu.
Giải thích về vấn đề trên, trao đổi riêng với Nhadautu.vn đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, thư ký Ban tổ chức Chương trình THQG cho biết, chương trình THQG không phải là một giải thưởng mà là chương trình xét duyệt dựa trên các tiêu chí đã định sẵn thông qua hồ sơ gửi lên của doanh nghiệp. Vì vậy, có những doanh nghiệp, thương hiệu lớn nhưng nếu họ không gửi hồ sơ tham dự thì cũng không có cơ sở để bình xét.
Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp lớn phản ánh rằng: "Sao họ đã nộp hồ sơ mà vẫn không được công nhận là THQG"?. Câu trả lời của Ban tổ chức là thực tế có những doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn, nhưng do khâu chuẩn bị hồ sơ chưa đạt nên vẫn không được nằm trong danh sách thương hiệu quốc gia.
Trả lời về việc có những thương hiệu trước đây được công nhận là THQG nhưng sau đó lại không được công nhận nữa, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, có những thương hiệu như Sabeco, năm 2016 từng được công nhận là THQG nhưng sau đó có diễn ra quá trình M&A nên không còn đủ tiêu chuẩn là sản phẩm của người Việt nên không còn nằm trong danh sách. Ngoài ra, cũng sẽ có trường hợp doanh nghiệp từng đạt THQG nhưng các năm về sau hoạt động không còn tốt thì cũng sẽ bị loại khỏi danh sách.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Năm 2020, sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn trên hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước, ngày 29/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. 3 tiêu chí cơ bản dùng để xét duyệt sản phẩm, doanh nghiệp đạt THQG là chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.
Từ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 với mục tiêu tham vọng trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam vào năm 2030 và 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận