Chênh giá ô tô: Chính hãng vô can, đại lý chặt chém khách
Vịn lý do nguồn cung khan hiếm, các đại lý ô tô thường tung chiêu ép mua phụ kiện, bán chênh giá. Đây là cách bán hàng thiếu minh bạch và hiện vẫn đang diễn ra ở nhiều đại lý Toyota, trước đó là Ford...
Muốn có xe ngay, phải chi thêm tiền
Nếu như dịp Tết, nhà nhà đổ xô đi mua ô tô khiến thị trường mượn cớ hét giá chênh cao là điều dễ hiểu thì ngay tại mùa thấp điểm này, tháng 5, vẫn có những mẫu xe bán chênh giá khá cao.
Tiêu biểu có tình trạng này là các mẫu Toyota Camry, Toyota Rush. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Hải Đoàn, một khách hàng ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay: "Tôi khảo giá ở vài ba đại lý để mua Camry 2019 nhưng qua mấy nơi, đều được nhân viên sale báo giá xe bản 2.5Q chuẩn giá niêm yết, nhưng kèm điều kiện, muốn có xe ngay tháng này thì phải mua kèm phụ kiện 95 triệu đồng hoặc chi thêm tiền mặt 45 triệu đồng nếu không mua phụ kiện".
Anh Đoàn cho rằng, đại lý ô tô có thể không sai luật vì giá ô tô là theo thị trường, nhưng đây là cách bán hàng không minh bạch, khiến khách hàng tuy là thượng đế nhưng lại có cảm giác bị ép buộc.
Trước đó, ngay khi giá xe Camry được công bố (2 phiên bản 2.0G và 2.5Q, giá lần lượt 1,029 tỷ đồng và 1,235 tỷ đồng), nhiều nhân viên kinh doanh đã thông báo ngay cho khách hàng quan tâm xe đăng ký từ trước khoản giá xe và kèm tiền chênh hoặc phụ kiện. Mức chênh cao nhất là khoảng 100 triệu đồng.
Các phụ kiện được chào mời mua kèm theo Camry là phủ gầm, dán phim cách nhiệt, dán trần, lót sàn, camera hành trình... với giá trị theo gói khoảng từ 45-60 triệu đồng tùy đại lý.
Một dòng xe khác của Toyota là chiếc Toyota Rush, giá niêm yết là 668 triệu đồng, cũng đang được đại lý bán với giá cao hơn niêm yết 50 triệu đồng - là phần chi phí phụ kiện khách buộc phải lắp thêm nếu muốn ký hợp đồng sớm.
Có thể nói, tình trạng chênh giá, bán bia kèm lạc là cách kinh doanh khá phổ biến đối với các mẫu xe hot nhưng thường chỉ rơi vào cao điểm.
Chẳng hạn như, hồi tháng 1 năm nay, mẫu bán tải bom tấn Ranger Raptor được bán với gói phụ kiện ép khách mua lên tới 150- 200 triệu đồng. Tương tự, mẫu Ford Explore cũng bị bán chênh 200 triệu hay, mẫu Hyundai SantaFe 2019 bán chênh 100 triệu đồng. Trước nữa, mẫu xe hot Honda CR-V cũng bị bán chênh 70 triệu, xe Toyota Fortuner chênh 100 triệu.
Tuy nhiên, bước sang tháng 3 trở ra, tình trạng trên ở hai thương hiệu Ford, Hyundai đã hoàn toàn chấm dứt. Thậm chí mẫu hot Ford Explorer còn được giảm sốc tới 80 triệu đồng, hay như mẫu Toyota Fortuner còn lần đầu tiên được đại lý giảm giá mạnh tới 20-30 triệu đồng. Bởi vậy, hiện tượng chênh giá ngay trong tháng 5- ở 2 mẫu xe Toyota được cho là đi ngược thị trường một cách khó hiểu.
Tại nguồn cung thiếu hay chiêu trò làm giá?
Điểm chung của những dòng xe bị chênh giá này đều là nhập khẩu nguyên chiếc. Về tổng thể, các hãng không tự chủ động được nguồn hàng mà phụ thuộc vào nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Đại diện một nhà nhập khẩu cho biết, những thị trường có doanh số tốt thường được ưu tiên hơn so với thị trường khác, nên việc xe về Việt Nam chậm, hoặc số lượng cung ưng ít là không tránh khỏi.
Tiết lộ với báo chí, đại diện truyền thông của hãng xe Toyota xác nhận việc nguồn cung đối với mẫu MPV Rush nhập khẩu từ Indonesia là không ổn định, biến động theo từng tháng. Tình trạng tương tự xảy ra với mẫu Xpander của hãng xe đồng hương Nhật Bản.
Toyota Rush cũng bị chênh tới 50 triệu đồng
Tuy nhiên, với mẫu Toyota Camry nhập Thái, đại diện một đại lý ô tô tiết lộ: “Thông thường, các đại lý sẽ đăng ký nhập xe từ hãng khoảng trước khi bán 3 tháng. Đối với mẫu này, do các đại lý lo sợ giá xe nhập sẽ cao nên vừa qua đã không dám đăng ký số lượng lớn. Tháng đầu tiên ra mắt, chỉ có 300 chiếc Camry được cung ứng cho thị trường Việt. Vì vậy, các đại lý cũng phải ganh nhau để nhập xe”.
Và vì thiếu xe nên các đại lý ô tô mới bày ra chiêu “mua bia kèm lạc”!
Trao đổi với PV, anh Đinh Văn Sơn, chủ đại lý Sơn Auto chuyên nhận bán ký gửi ô tô tại Long Biên (Hà Nội) phân tích: "Bản thân từng đại lý, showroom là đối tác bán hàng cho hãng, họ có quyền bán xe trên hoặc dưới giá niêm yết. Trong cuộc ganh đua về thị phần và doanh số với các đại lý "anh em" cùng trong hệ thống, những mẫu xe bán chạy được "order" nhiều hơn nhưng sản lượng nhập khẩu không đáp ứng khiến mất cân đối cung - cầu. Đó chính là nguyên nhân của hiện tượng chênh giá".
Lâu nay, các hãng xe tỏ ra vô can khi cho rằng không thể can thiệp vào giá bán của đại lý mà chỉ đưa ra giá đề xuất, khuyến nghị, bởi quan hệ hãng và đại lý là độc lập theo kiểu mua đứt bán đoạn. Tuy nhiên, việc lợi dụng nguồn cung khan hiếm, ép khách mua xe kèm phụ kiện, bán chênh giá là một cách bán hàng không minh bạch. Về lâu dài, cách kinh doanh này sẽ làm méo mó thị trường khi giá niêm yết một đằng, giá bán thực tế một nẻo. Hệ quả là khách hang cảm thấy không được tôn trọng trong khi đó, hình ảnh bán hang chuyên nghiệp của các thương hiệu xe cũng sẽ bị vạ lây.
Chia sẻ với PV, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Ô tô là mặt hàng mang tính thị trường cao. Giá cả theo quy luật thị trường, thuận mua vừa bán. Về lý, các showroom có thể không sai. Nhưng người tiêu dung Việt cũng cần thay đổi thói quen mua ô tô, mở rộng sự lựa chọn của mình để tránh bị ép giá không cần thiết”.
Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo, khách hàng mua ô tô cần lưu ý các điều khoản trong hợp đồng mua xe (hoặc giấy đặt cọc tiền mua xe…) về việc mua xe đúng giá niêm yết. Nếu phút chót, đại lý không giao xe vì khách không đồng ý chi thêm tiền chênh giá thì theo Điều 328, Bộ Luật Dân sự 2015, khách hàng có quyền hủy giao kết hợp đồng mu axe, được nhận lại tiền cọc và đại lý sẽ bồi thường số tiền tương đương tiền đặt cọc.
Ngoài ra, các khách hàng mua xe cần lưu ý loại bỏ điều khoản được thay đổi giá vào thời điểm giao dịch mà nhiều đại lý thường cố tình lồng ghép vào hợp đồng đặt cọc để ép khách về sau.
Theo một vị trưởng phòng kinh doanh đại lý ô tô, giá xe sẽ trở lại mức niêm yết chỉ sau 4-6 tháng, người mua xe nên chờ thêm vài ba tháng nữa để tránh phải mua giá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận