Chênh “ăn chia” phí không dừng: Doanh nghiệp BOT phản ứng
Các dự án phải trích từ 2% đến 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng, trong khi với nhiều đơn vị thì doanh thu dự án BOT hiện nay chưa đủ trả lãi vay ngân hàng.
Doanh nghiệp muốn tự đàm phán với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thay vì Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.
Nhiều DN đầu tư xây dựng BOT giao thông khẳng định đồng tình với chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ, song đại diện các doanh nghiệp cho rằngtỷ lệ mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là chưa hợp lý.
Cụ thể, các dự án phải trích từ 2% đến 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng, trong khi với nhiều đơn vị thì doanh thu dự án BOT hiện nay chưa đủ trả lãi vay ngân hàng.
Một số chủ đầu tư phản ánh chi phí lắp đặt ETC khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí 1-2 năm. Doanh nghiệp muốn tự đàm phán với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thay vì Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.
Đại diện BOT Đức Long Gia lai, Quốc lộ 14 cho biết: Hiện công ty đã ký hợp đồng với VETC và đang vận hành thu phí không dừng theo đúng quy định của Nhà nước. Đây là dự án thu phí không dừng đầu tiên trên quốc lộ 14, đã triển khai tất cả 4 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, quy định ký hợp đồng với mức 7% doanh thu rất cao, các trạm thu phí hiện nay chưa đủ trả lãi. Bên cạnh đó, phương án tài chính chưa được phê duyệt mà hạng mục thu - chicầnđi song song với nhau.
“Việc triển khai thu phí không dừng, doanh nghiệp sẽ đồng hành, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước nhưng triển khai cần hợp lý, giải thích rõ chứ không phải nói ngày 10 -7 đóng không cho thu phí nữa, hay tỷ lệ chia doanh thu thu phí không dừng ở mức cao gây bất lợi với nhà đầu tư”, đại diện BOT này cho biết
Đại điện Trạm BOT Cam Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng: Trạm BOT đã ký bổ sung phụ lục hợp đồng nhưng về chi phí quản lý thu là hai phạm trù khác nhau. Cần phải tách bạch chi phí quản lý và chi phí đầu tư, tỷ lệ trích nộp phải liên quan đến thời gian hoàn vốn xem có tương xứng hay không. Hiện nay, với mức chi 50% trên mức quản lý thu, nay tăng lên 4,5% doanh thu trước thuế, chúng tôi thấy không ổn và đang đàm phán, nhà đầu tư đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải làm rõ vấn đề này.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, tỷ lệ trích hiện nay Bộ đưa ra chỉ là tạm tính, khi nào thanh quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc (giai đoạn một) là1.700 tỷ đồng và sẽ được phân bổ hợp lý, công bằng cho các dự án.Trạm gần thành phố với lưu lượng xe cao thì tỷ lệ trích phải cao, trạm nhỏ có doanh thu thấp thì trích vừa phải.
“Cần tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp BOT và VETC, tách bạch tỷ lệ chia giữa nhà đầu tư và quản lý để chi hợp lý. Việc triển khai thu phí không dừng, doanh thu các trạm BOT phải gánh thêm mục này, đây là hạng mục trước chưa có, giờ phải đưa vào thì chia sẻ là đương nhiên. Các ngân hàng cần hỗ trợ giải ngân, ngân hàng không có quyền phản đối vì đã chấp nhận dự án tổng thể phải chấp nhận phát sinh, không phải vì lý do tăng chi phí thêm 1-2% mà không cho vay, giải ngân chậm ngày nào sẽ khó khăn ngày đó", Thứ trưởng Thọ nói.
"Không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý", ông Thọ nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận