Che giấu bất ổn kinh tế, Triều Tiên sẽ phóng thêm tên lửa?
Nhằm che giấu những bất ổn kinh tế của Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un được cho sẽ phóng thêm các tên lửa đạn đạo trong năm nay.
Trong bài viết trên tạp chí National interest, Tiến sĩ Park Hyeyoon tại Đại học bang Colorado của Mỹ nhận định, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không thể bình ổn hệ thống kinh tế đang bị tổn thương vì dịch bệnh cũng như nền chính trị trong nước bằng những biện pháp thông thường, khả năng ông Kim sẽ tiếp tục cho tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB) vào cuối năm nay.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt biệt danh là “rocket man” (người tên lửa), song ông Kim đã thể hiện trước cộng đồng quốc tế bản thân là con người có lý trí thông qua các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bao gồm hai cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6/2018 tại Singapore và tháng 2/2019 tại Hà Nội.
Trong hai cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Trump đã yêu cầu ông Kim thi hành cam kết từ bỏ tên lửa hạt nhân hoàn toàn, nhưng do Mỹ không đáp ứng được những đề nghị từ phía Bình Nhưỡng như gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, đến nay tiến trình đàm phán giữa hai nước vẫn rơi vào bế tắc.
Theo ông Park, ông Kim có lẽ đã nhận ra khoảng cách khác biệt không thể hàn gắn giữa hai nước. Và nếu chính quyền của Tổng thống Trump không thay đổi phương thức đàm phán cũng như chấp nhận phương án Triều Tiên giải trừ hạt nhân từ từ, các cuộc đối thoại hòa bình giữa Mỹ - Triều nhiều khả năng không thể diễn ra trong năm nay.
Bên cạnh đó, phản ứng gay gắt của Triều Tiên trước Mỹ liên quan tới dịch Covid-19 cũng chứng minh cho mối quan hệ nguội lạnh giữa hai nước và tình hình này cũng sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Một số nguồn tin tình báo cho hay, dịch Covid-19 đã đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế Triều Tiên trở nên nghiêm trọng hơn. Điển hình, giá cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày đã tăng phi mã, thậm chí tình trạng này diễn ra ngay ở thủ đô Bình Nhưỡng. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Triều Tiên đang chịu tác động kép từ những lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang thi hành và các thách thức mới từ dịch Covid-19. Tình huống hiện nay khiến ông Kim gặp vô vàn áp lực trong việc tìm hướng đột phá.
Đáng nói, Triều Tiên còn từ chối tiếp nhận các mặt hàng cứu trợ nhân đạo từ Mỹ. Động thái của Triều Tiên được cho nhằm gửi đi thông điệp “chúng tôi sẽ không sớm nắm tay các ngài”. Thay vì hợp tác với Mỹ hay Hàn Quốc, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Triều Tiên quyết định đẩy mạnh các mối quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Gần đây nhất, Nga đã chuyển 25.000 tấn lúa mì cứu trợ cho Triều Tiên, giữa lúc có thông tin Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Dù Triều Tiên cho biết năm ngoái nước này đã có một mùa bội thu, nhưng giới quan sát quốc tế lại cho rằng Triều Tiên đang phải chịu cảnh thiếu lương thực trầm trọng do ảnh hưởng của thời tiết và các lệnh cấm gây ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nông nghiệp như phân bón.
Thậm chí, các chuyên gia nhận định tình hình lương thực tại Triều Tiên còn chuyển biến xấu hơn nữa trong năm nay, do biên giới Trung – Triều vẫn đóng cửa để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến Bình Nhưỡng gặp khó khăn hơn trong hoạt động nhập khẩu lương thực.
Cho tới hiện tại, Triều Tiên vẫn khẳng định quốc gia này không có bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19. Triều Tiên cũng nhấn mạnh quốc gia này đã thành công ngăn chặn dịch bệnh.
Phóng tên lửa để che giấu bất ổn kinh tế
Trước đây, các vụ phóng thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên được tiến hành vì hai mục đích chính. Thứ nhất, Triều Tiên muốn sử dụng các loại vũ khí hạt nhân làm chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” để tạo ra cơ hội tiến hành đàm phán. Mục tiêu thứ hai là tăng cường chính sách tiên quân hỗ trợ cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Do đó, nếu những vấn đề kinh tế bất ổn hiện nay khiến dư luận trong nước dậy sóng và trở thành mối đe dọa đối với bộ máy cầm quyền, ông Kim sẽ nghiêm túc cân nhắc tiến hành thêm các vụ thử nghiệm tên lửa hạt nhân, theo ông Park.
Cũng theo ông Park, trong hoàn cảnh này, mục đích phóng tên lửa của ông Kim không phải là đe dọa Mỹ, mà là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong người dân Triều Tiên và quan chức nội bộ. Ngoài ra, thông qua vụ phóng tên lửa, ông Kim muốn gửi thông điệp ra thế giới rằng, Triều Tiên vẫn ổn định bất chấp cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19, cũng những lời đồn đoán về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hôm 1/5, sau 20 ngày biến mất bí ẩn, ông Kim đã bất ngờ tái xuất và tham dự lễ khánh thành Nhà máy phân bón photphat Sunchon ở thành phố Sunchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Tháp tùng ông Kim có người em gái là bà Kim Yo-jong, ông Pak Pong-ju, người giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Thủ tướng Kim Jae-ryong và các quan chức cấp cao khác. Tuy nhiên, nhân vật quyền lực số 2 là ông Choe Ryong-hae không có mặt.
Trước đó, hôm 20/4, Daily NK, một trang web tại Hàn Quốc dẫn nguồn tin giấu tên tại Triều Tiên cho biết, ông Kim đang hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật tim cách đó 1 tuần.
Sau đó một ngày tức hôm 21/4, CNN dẫn lời giới chức Mỹ giấu tên cho hay, ông Kim Jong-un đang “nguy kịch” sau ca phẫu thuật tim mạch. Tuy nhiên, giới chức trong chính phủ Mỹ và Hàn Quốc liên tiếp phủ nhận tin đồn về sức khỏe của ông Kim.
Trước đây, ông Kim cũng từng vài lần biến mất một cách bí ẩn trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên. Cụ thể, hồi năm 2014, sau 6 tuần không xuất hiện trước dư luận, ông Kim Jong-un tái xuất với hình ảnh bước chân đi khập khiễng. Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông quốc gia Triều Tiên cho biết nguyên nhân khiến ông Kim vắng mặt một thời gian là do cảm thấy “không khỏe”.
Sau màn tái xuất bất ngờ, ông Kim đã kêu gọi Triều Tiên cần “tăng cường năng lực tự cung tự cấp kinh tế”. Tương tự, tờ Rodong Sinmun cũng nhấn mạnh rằng, khả năng tự cường là vô cùng quan trọng để đối phó trước các lực lượng thù địch bao gồm Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận