Chế độ bản vị vàng kiểu Nga tác động thế nào đến giá vàng?
Nga vừa ấn định mức giá vàng cố định 5.000 Rúp/gram vàng. Điều này tác động thế nào đến giá vàng?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú giảm mạnh ở 2 phiên đầu tuần khi “lao dốc” từ mức 1.958USD/oz xuống tới 1.890USD/oz. Tuy nhiên sau đó, giá vàng lại phục hồi mạnh trở lại mức 1.949USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.924USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm mạnh từ 69,6 triệu đồng/lượng xuống 68,6 triệu đồng/lượng, sau đó tăng trở lại mức 68,95 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng biến động mạnh, nhưng khối lượng giao dịch vàng trên thị trường Việt Nam vẫn rất trầm lắng.
Tín hiệu suy thoái kinh tế
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh ở những phiên đầu tuần này do các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng khoảng 50 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Điều này đã giúp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên mức 2,46%, đồng thời đẩy USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Trong khi đó, báo cáo việc làm của Mỹ tháng 3 ghi nhận 431.000 việc làm được tạo ra trong tháng, dù thấp hơn mức dự kiến 500.000 việc làm, nhưng cho thấy thị trường lao động nước này đang trên đà phục hồi. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 đã giảm từ 3,6% trong tháng 2 xuống 3,5%, mở đường cho FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất với kế hoạch dồn dập như vậy lại khiến các nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái. Do đó, họ đã ồ ạt mua vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đẩy giá trái phiếu tăng mạnh, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn này giảm mạnh xuống 2,38%. Như vậy, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã chính thức đảo ngược sâu từ cuối tuần này. Đây là tín hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung trong dài hạn.
Ông Colin, chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược sẽ khiến các nhà đầu tư quan tâm đến vàng nhiều hơn, vì họ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn. “Trên thực tế, nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đang khá hiện hữu khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, khiến giá hàng hóa tăng cao, đẩy áp lực lạm phát tăng vọt, làm cho sức mua suy giảm mạnh. Ngoài ra, các NHTW chạy đua tăng lãi suất đối phó lạm phát, cũng sẽ kéo giảm đà phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh”, ông Colin nhận định.
“Giải mã” động thái của Nga
Trong tháng 3, ngân hàng VTB (Nga) đã bán hơn 1 tấn vàng cho người dân khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga đẩy đồng Rúp rơi tự do, khiến người dân tìm đến vàng để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh căng thẳng Nga- Ukraine vẫn leo thang. Hơn nữa, đây cũng là khuyến cáo của Chính phủ Nga đối với người dân về việc đẩy mạnh mua vàng, tránh mua ngoại tệ để cứu đồng Rúp. Để khuyến khích người dân, Nga đã bỏ 20% thuế VAT đối với giao dịch mua vàng.
Trước nhu cầu tăng quá mạnh của người dân, NHTW Nga thậm chí đã buộc phải tạm ngưng mua vàng chính thức từ các ngân hàng trong nước để đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho người dân. Tuy nhiên trong đầu tuần này, NHTW nước này đã mua vàng trở lại, đồng thời ấn định mức giá vàng cố định 5.000 Rúp/gram vàng (tương đương khoảng 52USD/gram vàng) trong khoảng thời gian từ 28/3 đến 30/6/2022, thấp hơn mức giá trên thị trường quốc tế khoảng 16 USD mỗi gram vàng.
Giá vàng tuần tới có thể vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi chiến sự Nga-Ukraine.
Việc NHTW Nga ấn định mức giá cố định cho vàng khiến chúng ta nhớ lại chế độ bản vị vàng. Theo đó, từ năm 1879 đến năm 1914, một ounce vàng được ấn định mức giá cố định 21 USD. Sau đó, vào những năm 1930, Hoa Kỳ đã nâng mức giá đó lên 35 USD/ounce vàng. Mức giá này vẫn cố định cho đến năm 1971 khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tạm dừng khả năng chuyển đổi của USD thành vàng, điều này có nghĩa các quốc gia khác không còn có thể đổi USD thành vàng. Năm 1973, chế độ bản vị vàng đã bị loại bỏ.
Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích của Tập đoàn Gainesville, cho biết động thái ấn định mức giá vàng cố định của NHTW Nga cho thấy nước này muốn liên kết giá trị đồng Rúp với vàng. Điều này một mặt giúp đồng Rúp được nâng cao giá trị, phục hồi trở lại sau cú rơi tự do, mặt khác giúp Nga có thể tìm kiếm nguồn tài trợ và quản lý nguồn tài chính của NHTW Nga bên ngoài hệ thống USD. “Vàng là tài sản hợp lý nhất mà Nga có thể sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt”, ông Everett Millman nhấn mạnh.
Được biết, Nga đang có kho dự trữ vàng đứng thứ 5 thế giới với khoảng gần 2.300 tấn, thấp hơn khá nhiều so với Mỹ (8.133 tấn vàng). Với mức giá ấn định 5.000 Rúp/gram vàng, thì 2.300 tấn vàng có thể đảm bảo cho 11,5 nghìn tỷ Rúp. Trong khi theo NHTW Nga, từ ngày 1/1/2022, nước Nga có 14,1 nghìn tỷ Rúp đang lưu thông. Như vậy, khối lượng vàng dự trữ của Nga có thể gần đảm bảo cho số lượng Rúp đang lưu thông. Đó cũng chính là một trong những lý do chính giúp Rúp phục hồi mạnh mẽ trong những ngày qua.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây (loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT và cấm giao dịch vàng với Nga) khiến Nga khó nhập khẩu thêm vàng để tăng dự trữ. Nga có thể nhập vàng từ Trung Quốc và một số đồng minh khác, nhưng các quốc gia này cũng sẽ cẩn trọng vì sợ lệnh trừng phạt của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang vơ vét vàng để tăng dự trữ, nên khó có thể bán cho Nga. Trong khi đó, lượng vàng khai thác hàng năm của Nga chỉ khoảng 330 tấn. Do đó, nước này khó có thể thực hiện chế độ bản vị vàng dài hạn, nên điều này cũng không tác động nhiều đến giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng tuần tới vẫn đang xu thế điều chỉnh, củng cố. Nếu không trụ vững trên 1.890USD/oz, thì giá vàng tuần tới có thể điều chỉnh xuống 1.820USD/oz. Nếu mức này được duy trì, thì giá vàng sẽ nhanh chóng tăng trở lại và hướng tới mức 2.000USD/oz vì hiện tại giá vàng vẫn đang nằm trong kênh tăng giá dài hạn. Hơn nữa, chiến sự Nga-Ukraine vẫn còn diễn biến khó lường, cộng với lạm phát tăng cao, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận