menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hoàng Sơn

Châu Phi và chặng đường gian nan để tự chủ nguồn vaccine Covid-19

Châu Phi đang thực hiện một bước đi táo bạo trong việc tự sản xuất vaccine Covid-19 và rất có thể là cả vaccine cho những bệnh nguy hiểm khác.

Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19, châu Phi đã trở thành khu vực chịu nhiều “thiệt thòi” nhất khi hoàn toàn không có khả năng tự cung về nguồn vaccine.

Gần 99% nguồn vaccine phục vụ tiêm chủng định kỳ tại các quốc gia có được là nhờ nhập khẩu và hiện tại, đây vẫn là khu vực có mức độ tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 thấp nhất thế giới. Theo số liệu của WHO, chỉ 1,5% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

Bước tiến lịch sử?

Nhằm giải quyết tình trạng trên, trong một phiên họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra đề xuất được miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền vaccine phòng Covid-19. Theo đề xuất này, các nước thu nhập trung bình và thấp sẽ được phép sản xuất vaccine mà không lo ngại về vấn đề vi phạm bản quyền.

Đề xuất lúc đó đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU). Nhưng quan trọng hơn, nó không giải quyết được một vấn đề cốt lõi: làm thế nào để châu Phi có thể tự sản xuất vaccine?

Do đó, ngày 21/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lựa chọn thay thế, đó là thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA giúp các nhà sản xuất tại châu Phi nắm bắt được toàn diện phương thức sản xuất.

Hai hãng dược phẩm có trụ sở tại Nam Phi là Afrigen Biologics và Viện Sinh học và Vaccine Nam Phi (Biovac) đã được chọn làm đầu mối trung gian để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ này tới các nhà sản xuất khác trong khu vực, cho phép nâng cao năng lực sản xuất vaccine, đồng thời tăng cường an ninh y tế cho khu vực châu Phi.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gọi sự việc trên là một “bước tiến lịch sử” trong quá trình tiến tới tự lực sản xuất vaccine của châu lục.

Tham vọng của các ‘ông lớn

Việc WHO thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ vaccine cho châu Phi không phải là điều mới mẻ. Năm 2007, tổ chức này đã xây dựng một chương trình chuyển giao công nghệ vaccine phòng cúm, giúp châu Phi có thêm hàng triệu liều vaccine mỗi năm mà không cần phải dựa vào nước ngoài.

Tuy nhiên, do công nghệ mRNA còn mới và rất ít hãng dược thử nghiệm thành công, chu trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ này có thể kéo dài tới một năm và cần sự giúp đỡ rất lớn từ phía Big Pharma, tức các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới, tờ Politico nhận định.

Cả hai hãng dược phẩm đã sản xuất được vaccine Covid-19 bằng công nghệ mRNA là Pfizer và Moderna đều đã tỏ thái độ ngần ngại và thiếu thiện chí trong việc hợp tác với trung tâm. Điều này hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh tiềm năng khai thác thương mại và phát triển thêm của công nghệ đột phá này vẫn còn rất lớn.

Do các hãng dược phẩm lớn đều mong muốn bảo toàn quyền sở hữu trí tuệ cũng như những “lợi ích trực tiếp”, họ sẽ không dễ dàng đồng ý thực hiện chu trình chuyển giao công nghệ trực tiếp cho phía trung tâm này.

Thay vào đó, các Big Pharma sẽ ký kết các hợp đồng song phương và trực tiếp với một số nhà sản xuất vaccine nước ngoài nhất định. Đồng thời, bên tiếp nhận cũng cần đảm bảo sẽ không chuyển giao cho bên thứ ba cũng như chỉ được phép thương mại hóa trong một khu vực lãnh thổ nhất định. Đơn cử, vaccine mRNA do Nam Phi sản xuất sẽ không được phép xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh.

Châu Phi và chặng đường gian nan để tự chủ nguồn vaccine Covid-19
Người dân Kenya xếp hàng chờ tiêm vacicne ngừa Covid-19. (Nguồn: AP)

Vào ngày 21/7 vừa qua, Pfizer đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất tại thị trường châu Phi. Theo đó, hãng này đã ký kết hợp đồng với tập đoàn Biovac của Nam Phi. Tuy nhiên, Biovac sẽ chỉ được tham gia vào khâu “fill and finish” (tạm dịch: chiết rót và đóng nắp) - tức bước cuối cùng trong quy trình sản xuất vaccine.

Thay vì phải chuyển giao công nghệ trực tiếp cho phía trung tâm, các bản hợp đồng song phương béo bở này sẽ giúp các hãng dược phẩm phương Tây đảm bảo lợi ích của mình.

Theo đó, dù đi vào hoạt động, những nhà máy sản xuất vaccine tại châu Phi sẽ tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào những "ông lớn", do thiếu vắng nguồn nguyên liệu cũng như bí quyết sản xuất cần thiết.

Bên cạnh đó, vấn đề thời gian cũng là một bài toán khó. Như đã đề cập ở trên, chu trình chuyển giao công nghệ sẽ mất tới 1 năm và thêm 6 tháng nữa trước khi đi vào sản xuất hàng loạt phục vụ cho chương trình tiêm chủng.

Nói cách khác, liều vaccine đầu tiên do Châu Phi tự sản xuất sẽ ra đời vào khoảng giữa năm 2022 và phải tới ít nhất năm 2023 chúng mới có thể được sử dụng để tiêm chủng cho người dân của châu lục.

Nhiều chuyên gia cũng nghi ngại về khả năng của WHO trong việc vận hành trung tâm này. Tổng Giám đốc Liên đoàn các Nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (IFPMA) Thomas Ceuni cho rằng, tổ chức này vẫn còn thiếu vắng kinh nghiệm cần thiết trong vấn đề chuyển giao công nghệ dược phẩm.

Tầm nhìn của Nam Phi

Dù nhận thức được các khó khăn, ngành y tế Nam Phi vẫn tỏ rõ quyết tâm thực hiện ý tưởng này.

Theo ông Petro Terblanche, giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Afrigen, không chỉ sử dụng trong phòng chống Covid-19, việc tiếp cận với công nghệ mRNA còn có thể mở ra những tia hy vọng mới đối với các loại virus nguy hiểm khác như lao, HIV, Ebola,...

Thậm chí, khi phát biểu về tiềm năng của sáng kiến trên, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa còn đi xa hơn khi khẳng định “chúng sẽ thay đổi định kiến về một châu Phi luôn chìm đắm trong nghèo đói và bệnh tật”.

Mặc dù các cơ hội vẫn luôn rộng mở, chặng đường nâng cao năng lực tự chủ vaccine của Nam Phi nói riêng và toàn châu Phi nói chung được dự đoán sẽ còn phải đương đầu với nhiều trắc trở.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả