Châu Âu và Mỹ nghĩ gì về tối hậu thư của Iran?
Tại châu Âu, Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức và Anh bày tỏ "quan ngại sâu sắc" việc Iran tuyên bố dự trữ urani làm giàu ở cấp độ thấp của nước này cao hơn mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân 2015.
* Giải pháp đối nghịch của Mỹ và châu Âu
Trong tuyên bố chung với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức và Anh khẳng định việc các nước phương Tây duy trì cam kết nêu trong thỏa thuận hay không phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran.
Trong nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã gặp các quan chức Iran ở Vienna (Áo) hôm 28/6 và thông báo rằng một cơ chế thương mại, có tên Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), được thiết lập nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đang hoạt động.
Tuy nhiên, phía Iran nói điều đó là không đủ. Dù vậy, bà Ellie Geranmayeh, Phó Giám đốc Chương trình Trung Đông-Bắc Phi của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), cho rằng những từ ngữ trong tuyên bố cuối cùng của cuộc gặp ở Vienna cho thấy, các nhà ngoại giao tin tưởng có thể tìm ra được các giải pháp.
Theo bà Geranmayeh, tình hình diễn ra như thế nào chủ yếu dựa vào điểm mấu chốt là sự tiến triển của Iran trong các cuộc đàm phán và số lượng dầu thô có thể sẽ được bán ra. Tehran đã có các cuộc tiếp xúc với Bắc Kinh và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ.
Về phía Tehran, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho rằng cơ chế mà EU đang xây dựng để giúp duy trì trao đổi thương mại với Iran và hạn chế những tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ thiếu hiệu quả nếu cơ chế này không cho phép Tehran bán dầu mỏ.
Đề cập tới cơ chế thương mại INSTEX mà 3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Đức (E3) đang thúc đẩy, ông Zanganeh cho rằng nếu không bao gồm hoạt động bán dầu mỏ thì INSTEX chắc chắn sẽ không hiệu quả.
EU cũng từng đề xuất một giải pháp để kết nối cơ chế thanh toán trong INSTEX với các nguồn tài chính từ việc mua dầu thô của Iran trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến nay, INSTEX chưa thể giúp “hồi sinh” trao đổi thương mại song phương giữa Iran và EU do thiếu các nguồn ngân quỹ trả trước để bù đắp xuất khẩu cho Iran.
Tuyên bố trên là một "phép thử" đối với giới ngoại giao châu Âu khi mà trước đó giới chức Pháp, Anh và Đức cam kết sẽ đưa ra cách đáp trả ngoại giao mạnh mẽ nếu Iran về cơ bản vi phạm thỏa thuận.
Theo ông David Albright, cựu thanh sát viên vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc từng tham vấn giới chức châu Âu về thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù E3 "nóng mặt" trước việc Iran phá vỡ mức trần cho phép song sự vi phạm này không đủ nghiêm trọng để họ phải ngay lập tức tìm kiếm các đòn đáp trả thông qua trừng phạt quốc tế.
Các nước châu Âu vẫn đang chờ đợi những vi phạm lớn hơn vốn là dấu hiệu cho thấy Tehran đang trở lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và IAEA đều khẳng định Tehran đã từ bỏ từ năm 2003.
"Sẽ có những ồn ào, song không có hành động mạnh mẽ nào để đáp trả", ông Albright - Giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở ở Mỹ - chia sẻ với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, cách tiếp cận của nước Mỹ là hoàn toàn cứng rắn. Phát biểu với báo giới khi được hỏi liệu ông có gửi thông điệp gì cho Iran hay không, Tổng thống Trump nói: "Không có thông điệp nào cho Iran. Họ biết điều họ đang làm. Họ biết họ đang đùa với cái gì và tôi cho rằng họ đang đùa với lửa".
Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt "sức ép tối đa" đối với Iran cho đến khi "giới lãnh đạo nước này thay đổi phương thức hành động". Mỹ cũng nhấn mạnh Tehran cần duy trì mức độ chuẩn làm giàu uranium được cho phép theo thỏa thuận. "Thế nhưng, không có một mức độ tiêu chuẩn quốc tế nào cấm Iran làm giàu urani", ông Daryl Kimball, Giám đốc quản lý Hiệp hội kiểm soát vũ khí, nhận xét.
Trong vấn đề Iran, Tổng thống Mỹ thường xuyên phàn nàn rằng thỏa thuận hạt nhân, vốn nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran để đối lấy việc nước này dừng chương trình hạt nhân, đã không đề cập đến các năng lực tên lửa đạn đạo của Iran hay việc nước này hỗ trợ các nhóm dân quân.
Trong năm đầu tiên cầm quyền, chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực làm việc với các đồng minh châu Âu để điều chỉnh cái mà ông Trump cho là sai lầm trong thỏa thuận hạt nhân, chẳng hạn như việc không đề cập đến các tên lửa đạn đạo và việc Iran hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm đang gây bất ổn ở khắp Trung Đông.
Sau khi không thay đổi được cái mà ông Trump chỉ trích là một thỏa thuận sai lầm chết người, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hồi năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt vốn đã được nới lỏng khi thỏa thuận được hoàn tất dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Chiến dịch gây áp lực của Mỹ đối với Iran đã đẩy hai bên đến bên bờ vực chiến tranh. Khi nền kinh tế bị tuột dốc, Iran đã bị kích động và bắn rơi một máy bay do thám không người lái trị giá 100 triệu USD của Mỹ, đồng thời nước này cũng bị cáo buộc tấn công các tàu vận chuyển dầu ở khu vực Vịnh Persia.
Ông Trump cho biết đã sẵn sàng đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa, song ông đã thay đổi khi biết rằng điều đó có thể khiến 150 người Iran thiệt mạng. Ông viết trên Twitter hồi tuần trước rằng “bất cứ hành động tấn công nào của Iran nhằm vào bất cứ cái gì thuộc sở hữu của Mỹ đều sẽ phải hứng chịu sức mạnh cực đại. Trong một số lĩnh vực nào đó thì sức mạnh cực đại sẽ đồng nghĩa với sự phá hủy”.
Bất đồng giữa Mỹ và Iran đang bị đẩy lên nấc thang mới sau một loạt căng thẳng địa chính trị. Một tháng trước tại eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua, hai tàu chở dầu của Saudi Arabia và một tàu treo cờ Na Uy cùng một tàu treo cờ Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã bị tấn công.
Hậu quả là, Mỹ đã cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu và gửi đến Vịnh Persia tàu sân bay Abraham Lincoln và 4 máy bay ném bom B-52. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến mới ở Vịnh Persia.
Hồi tháng Tư Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách khủng bố. Iran trả đũa bằng cách tuyên bố Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ và các lực lượng liên quan, kể cả ở Trung Đông, đều là các nhóm khủng bố.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, ông Andrei Baklitski thuộc Trung tâm nghiên cứu tư vấn độc lập PIR có trụ sở tại Moskva nhận xét chiến lược gây áp lực tối đa lên Iran có thể được giải thích bởi tham vọng chính trị của ông Trump.
Theo logic của ông, nên phá hủy mọi thứ mà Tổng thống Obama đã xây dựng trước đây và tạo ra những thứ mới. Chính quyền Tổng thống Obama đã có thể ký kết một thỏa thuận với Tehran, có nghĩa là bây giờ cần phải phá hủy thỏa thuận này và đạt được những thỏa thuận mới, - vị chuyên gia này nói./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận