24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu “thở phào” với thỏa thuận ngân sách 

Châu Âu cuối cùng đã đạt được thỏa thuận ngân sách và gói cứu trợ kinh tế sau khi Hungary, Ba Lan và Đức nhất trí về một phương án mới.

Xử lý vấn đề mà Hungary và Ba Lan kiên quyết phản đối

Trong phiên họp tối ngày thứ Năm, 10/12, hai nước Hungary và Ba Lan đã đồng ý sẽ từ bỏ việc phủ quyết gói tài chính khổng lồ trên 1.800 tỷ euro, gồm ngân sách 2021-2027 và gói phục hồi 750 tỷ euro. Trước đó, hai nước này đã dùng lời đe dọa phủ quyết vì cho rằng cơ chế phân bổ tài chính đi kèm với điều kiện phải tuân thủ các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là đi ngược lại các hiệp ước của Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận mà Ba Lan và Hungary chấp nhận cùng các quốc gia thành viên khác của EU, các điều kiện liên quan đến nhà nước pháp quyền vẫn được giữ nguyên. Điểm khác biệt đó là thay vì là một cơ chế như trước đây thì nay EU diễn giải nguyên tắc này dưới dạng một “tuyên bố diễn giải”, trong đó nêu rõ rằng việc gắn các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền với chuyện phân bổ tài chính sẽ được EU thực hiện một cách khách quan, với mục đích là để đảm bảo nguồn tiền từ châu Âu được sử dụng đúng mục đích, chứ không phải là để trừng phạt các nước thành viên.

Nói cách khác, để giảm bớt sức ép cho Ba Lan và Hungary, hai nước vốn đang bị EU điều tra vì các cáo buộc vi phạm về tư pháp độc lập hay tự do báo chí, thì EU đã thay “cơ chế”, tức là có tính áp dụng một cách tự động, bằng một “tuyên bố” ít mang tính ép buộc hơn.

Tuy nhiên, về thực chất thì EU vẫn giữ được yêu cầu cốt lõi của mình, đó là sẽ gắn việc phân bổ tài chính của khối với các đánh giá xem liệu một quốc gia thành viên EU có vi phạm các nguyên tắc và giá trị của nhà nước pháp quyền hay không. Việc thay đổi câu chữ là một cách để giúp Ba Lan và Hungary có đường lùi, và trong một chừng mực nào đó, giúp Ba Lan và Hungary có thêm thời gian để phản ứng một khi bị cáo buộc về các vi phạm vì theo quy định mới, các nước thành viên EU có quyền kiện lên Tòa công lý châu Âu nếu bị điều tra vi phạm và Ủy ban châu Âu sẽ phải chờ quyết định của Tòa mới có thể trừng phạt các nước này về mặt tài chính.

Yếu tố khiến 2 bên xích lại gần nhau

Nguyên nhân lớn nhất khiến Ba Lan và Hungary chấp nhận thỏa hiệp, đó là sức ép quá lớn từ phía các nước thành viên khác của EU và rủi ro mất mát quá lớn về tài chính mà hai nước này có thể phải hứng chịu nếu như kiên quyết bác bỏ gói tài chính 1.800 tỷ euro của châu Âu. Ngay trước khi diễn ra Thượng đỉnh lần này, rất nhiều nước EU đã bày tỏ thái độ phản đối gay gắt với Ba Lan và Hungary khi cho rằng hai nước này biến cả khối trở thành con tin, trong bối cảnh kinh tế các nước đang khủng hoảng trầm trọng. Các nước như Pháp, Hà Lan… đã tích cực vận động việc loại bỏ Ba Lan và Hungary ra khỏi các kế hoạch tài chính. Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố đã nghiên cứu phương án phân bổ gói phục hồi 750 tỷ euro cho 25 nước ngay từ tháng 1/2021 tới mà không có Ba Lan, Hungary. Vì thế, Ba Lan và Hungary hiểu rõ rằng, sự chống đối của họ sẽ không thể thành công. Trên thực tế, nhiều năm gần đây các thành viên Tây Âu và Bắc Âu trong nội bộ EU đang mâu thuẫn rất lớn với nhóm các nước Đông Âu, cụ thể là nhóm Visegrad mà Ba Lan và Hungary là trụ cột. Các nước Tây Âu, Bắc Âu cho rằng các nước Đông Âu gia nhập EU chỉ với mục đích trục lợi, hưởng lợi từ các gói tài chính khổng lồ từ EU bao năm qua nhưng lại thiếu sự đoàn kết, thiếu cam kết tôn trọng các nguyên tắc và giá trị nền tảng của EU. Điển hình trong mâu thuẫn vài năm qua là việc các nước như Ba Lan, Hungary, CH Séc… kiên quyết từ chối nhận quota người tị nạn và từ năm ngoái thì Ba Lan và Hungary đã chính thức bị điều tra vì các cáo buộc vi phạm nguyên tắc tư pháp độc lập, tự do báo chí, tự do học thuật.

Ba Lan và Hungary cũng hiểu rất rõ rằng sẽ không có chuyện các nước như Hà Lan, Áo hay Nghị viện châu Âu chấp nhận việc từ bỏ nguyên tắc nhà nước pháp quyền và nếu Ba Lan, Hungary không nhượng bộ thì các nước kia, vốn đã rất phản đối chuyện cho ra đời gói phục hồi 750 tỷ euro hồi tháng 7/2020, cũng sẽ không bao giờ nhượng bộ. Do đó, nếu bị loại khỏi các gói tài chính thì ngay trước mắt Ba Lan, Hungary sẽ không nhận được hàng chục tỉ euro phân bổ từ gói 750 tỷ euro. Nghiêm trọng nhất là hai nước này sẽ bị cắt bỏ các nguồn tiền từ các chương trình phát triển nội khối trong ngân sách 2021-2027 lên tới hàng trăm tỷ euro trong những năm tới. Với tất cả các lí do đó, Ba Lan và Hungary phải chấp nhận nhượng bộ.

Ý nghĩa của thỏa thuận đối với EU ở thời điểm này

Với trên 1.800 tỷ euro từ ngân sách 2021-2027 và gói phục hồi, châu Âu đã xây dựng được một gói tài chính lớn nhất trong lịch sử khối này nhằm vực dậy sau đại dịch Covid-19. Đây được xem như là “kế hoạch Marshall” thứ hai trong lịch sử châu Âu, giống như kế hoạch Marshall sau Thế chiến II. Về mặt kinh tế, đây sẽ là những nguồn tiền cực kỳ quan trọng nhằm tái thiết châu Âu trong thời điểm mà gần như toàn bộ các nền kinh tế châu Âu đều khủng hoảng nghiêm trọng vì vòng quay phong tỏa-tái phong tỏa trong suốt năm 2020. Hầu hết các nền kinh tế châu Âu đều tăng trưởng âm. Do đó, việc nhận được các khoản tiền hàng chục tỷ euro trong những tháng tới từ gói phục hồi 750 tỷ euro, ví dụ như Italia và Tây Ban Nha mỗi nước nhận được từ 70-80 tỷ euro… giúp các nước EU giảm nhẹ thiệt hại kinh tế, ngăn chặn làn sóng phá sản của các doanh nghiệp, qua đó giảm bớt nguy cơ bất ổn xã hội.

Quan trọng hơn, về mặt chính trị, gói phục hồi 750 tỷ euro là một cột mốc lịch sử của châu Âu vì là lần đầu tiên toàn bộ các nước chấp nhận vay nợ chung và trả nợ chung để vực dậy sau đại dịch. Đây là một liên kết chính trị rất lớn, thể hiện quyết tâm chung của toàn bộ châu Âu trong việc duy trì khối này như một thực thể chính trị-kinh tế có chung vận mệnh. Cần nhắc lại rằng, hồi tháng 7/2020, các lãnh đạo EU đã phải tiến hành phiên họp Thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử khối này, với hơn 92 tiếng đàm phán marathon, mới đạt được thỏa thuận về gói phục hồi 750 tỷ euro. Vì thế, việc duy trì được gói này cũng như ngân sách 2021-2027 là một thành công có tính bắt buộc với châu Âu./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả