24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu sẽ thoát khủng hoảng năng lượng bằng cách nào?

The Economist cho rằng châu Âu nên trợ giá điện cho người nghèo và cải thiện hạ tầng, tìm nguồn cung ngoài Nga, nhưng cả 2 sẽ rất tốn kém.

Khi nguồn cung từ Nga ngày càng eo hẹp, giá khí đốt chuẩn tại châu Âu đã tăng 30% vào tuần trước. Trong khi đó, giá điện hạt nhân bán ra của Pháp hay thủy điện của Na Uy nhảy vọt. Mùa hè năm ngoái, các hợp đồng mua điện trước năm của Pháp và Đức được giao dịch ở mức 100 euro (118 USD) mỗi MWh. Gần đây, nó đã tăng trên 1.000 euro.

Dù giá đã giảm kể từ mức đó, khí đốt hiện vẫn giao dịch ở mức tương đương khoảng 400 USD một thùng dầu. Ông chủ của Shell cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài hơn một mùa đông.

Nỗi đau sẽ lan rộng khi các hợp đồng năng lượng hiện tại của các hộ gia đình và doanh nghiệp hết hạn và các hợp đồng mới được ký kết. Điều đó sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán có một cuộc suy thoái trong vài tháng tới và đồng euro sẽ chạm mức thấp nhất so với USD trong hai thập kỷ. Viễn cảnh về tình trạng bất ổn và tranh cãi giữa các quốc gia thành viên hiện ra trước mắt. Với hầu hết nguồn cơn khó khăn do khủng hoảng năng lượng gây ra, bài toán cho châu Âu là sẽ giải nó như thế nào.

Cho đến nay, phản ứng của Ủy ban châu Âu vẫn chưa đủ tham vọng, theo The Economist. Ý tưởng mới nhất của họ là áp trần giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngày 9/9. Ủy ban cũng có thể tìm cách đại tu thị trường điện, để giá giao ngay không còn quyết định bởi chi phí cận biên của nhà sản xuất, vốn thường là điện khí.

Giới hạn giá nghe có vẻ đơn giản nhưng có thể phản tác dụng, vì nó không có khả năng hạn chế được nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Theo một nghiên cứu, giá trần áp dụng ở Tây Ban Nha dẫn đến mức tăng 42% trong sản xuất điện bằng khí đốt kể từ tháng 6. Vì vậy, chính sách này sẽ chỉ làm tăng nhu cầu đốt khí để sản xuất điện, khiến viễn cảnh phải phân bổ điện trong mùa đông càng có khả năng xảy ra.

Thay vào đó, The Economist cho rằng các chính phủ nên tập trung vào hai nhiệm vụ lớn hơn. Đầu tiên là cho phép cơ chế thị trường kiềm chế nhu cầu, đồng thời hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.

Cần những khoản hỗ trợ lớn, nhưng có mục tiêu. Phương án này sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Theo IMF, các chính sách ưu đãi giá điện và cấp tiền mặt cho 40% dân số nghèo nhất sẽ rẻ hơn các chính sách hiện nay - vốn phần lớn là cắt giảm thuế nhiên liệu hoặc giới hạn giá bán lẻ.

Ưu tiên thứ hai là tăng nguồn cung từ những nơi khác ngoài Nga. "Chúng ta không nên tin tưởng vào việc khí đốt đến qua đường ống Nord Stream 1 trong suốt mùa đông", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói hôm 1/9, đồng thời cho biết ông không liên lạc với Gazprom. "Điều tôi dự đoán là chúng ta không thể dựa vào Nga hay Gazprom", ông nói thêm.

Trong mùa hè này, châu Âu đã tranh thủ lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và hiện đã vượt trước kế hoạch khoảng hai tháng. Đức đã thông báo hôm 1/9 rằng, họ sẽ thuê một bến nổi bổ sung để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngoài 4 bến đang lắp đặt để cố gắng thay thế nguồn cung từ Nga.

Đức đang dẫn đầu các nỗ lực của châu Âu trong việc lắp đặt các thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG. Hai bến nổi mới của Hà Lan dự kiến bắt đầu nhập khẩu LNG trong tháng này. Các cơ sở tương tự cũng đã được lên kế hoạch ở Baltics, Italy và Pháp. Nhằm nỗ lực tìm thêm nguồn cung, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vừa đến thăm Algeria.

Trong phạm vi châu Âu, các quốc gia có thể giúp giảm bớt tắc nghẽn nguồn cung bằng cách kết nối khí đốt xuyên biên giới một cách đầy đủ hơn. Hiện tại, đầu tư không đủ và sự khác biệt về tiêu chuẩn đã cản trở dòng chảy khí đốt từ Tây Ban Nha và Pháp sang Đức, Đông Âu. Tuy nhiên, không dễ có được sự đồng thuận chung để cải thiện vấn đề.

Thực tế, sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đề xuất kế hoạch hồi sinh dự án đường ống khí đốt Midcat, nối Bán đảo Iberia (thuộc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) với phần còn lại của châu Âu, đã bị bỏ dở năm 2019.

Đức, quốc gia có lượng nhập khẩu khí đốt của Nga lên tới 55% trước chiến sự, ủng hộ Midcat. Nhưng Pháp vẫn không tán đồng vì cho rằng 3 tỷ euro mà nước này phải chi ra để góp cho dự án không giải quyết được nhu cầu hiện tại, cũng như không giúp đáp ứng các mục tiêu xanh của EU.

Nếu các dự án Midcat không hồi sinh được, Tây Ban Nha còn lựa chọn khác là xây một đường ống dẫn khí đốt với Italy để nối Barcelona và Livorno. Một quan chức EU cho biết dự án này có thể hấp dẫn hơn về chi phí cũng như lợi ích, nếu so với Midcat.

Ngoài ra, trước mắt, các thành viên châu Âu cần đảm bảo rằng trong trường hợp phân chia khí đốt nên có một thỏa thuận trên toàn châu lục về việc ai sẽ bị cắt cung đầu tiên. Nếu không, một rủi ro là các quốc gia sẽ tích trữ khí đốt cho riêng mình.

Cả hai chiến lược nêu trên đều sẽ rất tốn kém. Cho đến nay, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha - các nước mắc nợ nhiều nhất của khu vực đồng euro - đã chi 2-4% GDP cho các giải pháp tài chính nhằm giảm bớt cú sốc năng lượng.

May mắn là cấp độ toàn khối vẫn còn "hỏa lực" để hỗ trợ. EU còn một quỹ phục hồi đại dịch trị giá 807 tỷ euro, được sử dụng dưới hình thức cho vay và tài trợ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa đến 15% tổng số tiền đã được giải ngân. Vì vậy, vốn bơm cho cho các dự án năng lượng có thể được đẩy nhanh và Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp các khoản vay giá rẻ có mục tiêu trong lĩnh vực này.

Các nước châu Âu đã cùng nhau giải quyết những hậu quả kinh tế của các vụ phong tỏa vì đại dịch. Và giờ là lúc không nên ảo tưởng, mà họ nên có một phản ứng táo bạo tương tự trước cuộc khủng hoảng năng lượng, theo The Economist.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả