Châu Âu ngày càng quan tâm tới Biển Đông
Tháng 9/2020, Đức, Anh và Pháp đã gửi công hàm chung lên LHQ chính thức thể hiện lập trường chung nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Biển Đông lâu nay được biết đến là khu vực giao thương hàng hải quốc tế quan trọng, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng là nơi diễn ra nhiều tranh chấp chủ quyền trong nhiều năm qua. Tại châu Âu, Biển Đông được coi là trung tâm của khu vực biển rộng lớn được các nước như Anh, Pháp, Đức sử dụng thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời là khu vực biển gắn với nhiều lợi ích của các nước châu Âu.
Năm 2019, Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công bố chiến lược quốc phòng đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Pháp xác định, Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trong những khu vực phát triển năng động, nhiều tiềm năng (60% dân số thế giới, 30% thương mại toàn cầu, khoa học công nghệ phát triển nhanh…), đồng thời là vùng biển chiến lược mà Pháp là một quốc gia góp mặt trực tiếp với các vùng lãnh thổ hải ngoại, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn (khoảng 9 triệu km2 trong tổng số 11 triệu km2 thuộc chủ quyền Pháp nằm tại đây), các căn cứ quân sự và người dân sinh sống trong khu vực (khoảng 1,5 triệu).
Lợi ích của Pháp là đặc biệt nên Pháp có vai quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải, chống lại các thách thức hiện nay tại khu vực biển này. Trước khi công bố chiến lược này, từ nhiều năm qua, Pháp tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là khu vực Biển Đông. Tàu chiến của Pháp liên tục di chuyển qua khu vực Biển Đông như một động thái ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế.
Bên cạnh Pháp, một cường quốc châu Âu khác là Anh, với lực lượng Hải quân hoàng gia đầy sức mạnh, từ một vài năm qua cũng bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Các tàu chiến của Hải quân hoàng gia Anh nhiều lần di chuyển tự do trên Biển Đông, có lần đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý từ các thực thể trên Biển Đông do Trung Quốc chiếm đóng, như một lời thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý, khẳng định sự ủng hộ đối với quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế trong khu vực này.
Cùng với Anh và Pháp, nước Đức cũng bắt đầu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tháng 9/2020 vừa qua, Đức đã lần đầu công bố định hướng chính sách đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, được coi như một dấu mốc lớn, đánh dấu sự vận động trong chính sách ngoại giao của nước này. Vốn được biết đến là nền kinh tế số 1 châu Âu, một trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới, nước Đức trong một vài năm trở lại đây, đang cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt chính trị chiến lược, khơi dậy tham vọng trở lại là một cường quốc về chính trị, quân sự tầm thế giới, thay vì chỉ đơn thuần về kinh tế như trong hàng chục năm gần đây.
Đối với các vấn đề trên Biển Đông, kể từ năm 2020 trở về trước, sự hiện diện quân sự của Đức chỉ mang tính tượng trưng, thông qua sự có mặt của một vài sỹ quan hải quân trên tàu chiến của Pháp hay Anh trong các chuyến công du của hải quân các nước này tới Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kể từ khi công bố định hướng chính sách đối với khu vực này, Đức đã có các động thái mạnh mẽ hơn. Hồi đầu tháng 11 này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbauer đã thông báo, Đức có kế hoạch đưa quân tham gia cuộc tuần tra tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bên cạnh lực lượng của Australia. Trước đó, Đại sứ Đức tại Australia thậm chí đã từng tuyên bố, Đức muốn tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông. Đây là các động thái chưa có tiền lệ của Đức, thể hiện sự quan tâm ở một mức độ cao hơn đối với tình hình Biển Đông.
Một sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trong tháng 9 vừa qua, ngày 16/9/2020, 3 nước châu Âu kể trên đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc chính thức thể hiện lập trường chung nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Trong công hàm chung gửi Liên hợp quốc, 3 nước châu Âu khẳng định tính toàn diện của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), khẳng định cần phải thực hiện quyền tự do trên vùng biển này, đặc biệt là quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại hòa bình trong khu vực. Các nước châu Âu cũng khẳng định các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông cần phải được giải quyết theo các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc.
Ở tầm quốc gia, sự quan tâm của các nước châu Âu ngày càng lớn. Đối với người dân châu Âu, tình hình Biển Đông cũng đang là một chủ đề được quan tâm. Ông Alain Rubé, một người dân sống tại vùng Bretagne của Pháp, tỏ ra quan ngại về những gì diễn ra trên Biển Đông khi thường xuyên theo dõi tin tức về khu vực biển này.
Ông Alain Rubé chia sẻ: “Thật đáng tiếc khi Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng, khiêu khích tại khu vực Biển Đông. Chúng tôi cũng biết rằng những người bạn Việt Nam rất cảnh giác với điều đó để tránh tất cả các xung đột về quân sự. Nhưng đây hiện vẫn còn là một khu vực nhạy cảm trên thế giới”.
Trong khi đó, giới học giả Pháp, cũng tỏ ra đặc biệt quan ngại trước các sự kiện diễn ra trên Biển Đông. Một trung tâm nghiên cứu có uy tín tại Pháp là Quỹ Gabriel Péri, từ nhiều năm qua cũng tập trung tìm hiểu, phân tích, đánh giá tình hình Biển Đông dưới mọi khía cạnh.
Ông Alain Obadia, Chủ tịch Quỹ Gabriel Péri, cho biết: “Chúng tôi quyết định theo dõi rất sát tình hình trên biển Đông, bởi vì đây là khu vực hết sức nhạy cảm đối thế giới nói chung. Gần 50% giao thương hàng hải của thế giới đi qua khu vực này. Với khuynh hướng nghiên cứu của mình, chúng tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này dưới mọi góc độ như pháp lý, kinh tế, môi trường và lịch sử”.
Cùng quan điểm này, ông Daniel Scheaffer, một nhà nghiên cứu lâu năm về tình hình Biển Đông, một cây viết gạo cội của nhóm nghiên cứu về châu Á có tên là Asie 21,cho biết: “Tình hình trên Biển Đông hiện rất căng thẳng, bởi vì các bên không tìm được tiếng nói chung, không chỉ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền mà còn liên quan tới sự tồn tại của đường 9 đoạn hay 10 đoạn và việc Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực tại La Haye”.
Asie 21 là nhóm nghiên cứu tập hợp những nhà nghiên cứu hàng đầu của Pháp về châu Á, có uy tín trong giới nghiên cứu tại Pháp, trong đó tạp chí khoa học xuất bản hàng tháng của nhóm này nhận được sự theo dõi đặc biệt của giới khoa học, chính trị gia, giới báo chí Pháp và quốc tế, các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức tại Pháp. Theo thông lệ, cứ khoảng 3 số thì tạp chí này lại xuất bản một bài viết về tình hình Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trước hàng loạt các sự kiện phức tạp diễn ra tại Biển Đông, tạp chí này đã đăng tải liên tiếp 3 bài viết của ông Scheaffer trong 3 số ra liên tục (số 140 tháng 7-8/2020, số 141 tháng 9/2020, số 142 tháng 10/2020) đề cập tới hàng loạt các chủ đề nóng diễn ra trên Biển Đông như nguy cơ Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, vai trò của các nước lớn trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại hòa bình tại khu vực Biển Đông hay phân tích về chính sách của các nước châu Âu khi gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc về tình hình Biển Đông.
Các bài viết trên tạp chí Asie 21 về tình hình Biển Đông giúp cho độc giả Pháp nhìn nhận được thực tế diễn ra trên Biển Đông, góp phần đưa ra các khuyến nghị chính sách dành cho nước Pháp và các nước châu Âu trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nước này tại Biển Đông.
Ông Daniel Scheaffer nhấn mạnh: “Những gì nước Pháp đã làm là để bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực biển này, không theo cách trực diện như nước Mỹ, nhưng sự hiện diện của Pháp tại Biển Đông chỉ đơn giản muốn khẳng định rằng, Biển Đông là một khu vực biển quốc tế, và không thể trở thành ao làng của Trung Quốc”.
Những gì diễn ra trên Biển Đông yêu cầu các nước châu Âu phải có hành động phối hợp thay vì chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia như hiện nay. Trên bình diện châu Âu, Liên minh châu Âu chưa có một chiến lược chung đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đây là điều có thể sẽ được các nước như Pháp, Đức thúc đẩy trong tương lai gần./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận